Khăn lụa Khaisilk vốn được biết đến là dòng sản phẩm lụa nổi tiếng của Việt Nam. Giá mỗi chiếc lên tới tiền triệu bởi nó được quảng cáo là do chính ông Hoàng Khải thiết kế, thuê gia công ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, mới đây ông hoàng tơ lụa đã thừa nhận sản phẩm được nhập từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Điều này gây chấn động trong dư luận xã hội. Nhiều người tiếc cho một thương hiệu Việt có tầm ảnh hưởng lớn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Thương mại Hà Nội (nay là sở Công Thương Hà Nội), nguyên Phó ban Phòng chống buôn lậu TP. Hà Nội cho hay, thông tin khăn lụa Khaisilk là hàng Trung Quốc đã có dư luận xôn xao từ lâu nhưng phải đến khi ông chủ hãng này thừa nhận thì mọi sự với vỡ lẽ.
Ông Phú rất buồn vì Khaisilk là một thương hiệu lụa Việt Nam sang trọng, đẳng cấp nhưng đã đánh mất mình. Cách làm ăn gian dối này đã được che đậy suốt 30 năm qua.
Xây dựng thương hiệu là một quá trình bền bỉ và lâu dài nhưng phá hủy thương hiệu thì rất nhanh.
“Khaisilk không chỉ làm mất uy tín của công ty mình mà nó còn ảnh hưởng tới thương hiệu lụa của Việt Nam trên thế giới.
Thế giới sẽ đánh giá về cách làm ăn của người Việt. Chúng ta đã tự hại chúng ta vì thứ văn hóa kinh doanh “lùn””, vị chuyên gia kinh tế chia sẻ.
Ông Phú cũng cho rằng, chính văn hóa kinh doanh “lùn” đã dẫn tới hàng loạt việc nhẫn tâm khác như tiêm thuốc an thần cho lợn, dùng thuốc kích phọt cho rau, tiêm chất nhầy vào tôm…
Một trong những bài học đắt giá là việc mới đây, Liên minh châu Âu rút thẻ vàng cảnh cáo đối với hàng thủy sản của Việt Nam.
“Không chỉ ông Khải mà còn có không ít người Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về sau đó gắn mã vạch 893 (mã vạch thể hiện hàng hóa do Việt Nam sản xuất-PV).
Khi hội nhập, chúng ta không nên phân biệt sản phẩm đó do nước nào sản xuất, cái chính là chúng ta phải nói rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu nhập nhèm thì đó chính là gian lận thương mại.
Tôi tin rằng, chắc hẳn không ai phản đối có hàng Trung Quốc trong cửa hàng Khaisilk nhưng phải ghi rõ xuất xứ và giá bán”, ông Phú nói.
Qua sự việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi về vai trò của quản lý thị trường. Họ đã ở đâu trong suốt 30 năm Khaisilk lừa người tiêu dùng? Nếu vẫn còn “tư duy sực nhớ, tư duy phong trào, tư duy làm từ ngọn” thì người tiêu dùng Việt Nam còn chịu thiệt”, ông Phú cho hay.
Sáng nay (26/10), cơ quan Quản lý thị trường 14 (TP. Hà Nội) phối hợp với Cảnh sát kinh tế và lực lượng chức năng đã xuống kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm) bán hàng Khaisilk và lập biên bản, thu giữ một số mẫu hàng. |