Không đơn giản là một động thái nhân đạo
Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã gửi dược phẩm, khẩu trang, máy thở và các thiết bị y tế đến nhiều quốc gia trong lúc dịch covid-19 bùng phát toàn cầu. Trung Quốc cũng đã gửi các nhóm chuyên gia y tế đến ít nhất mười quốc gia.
Mặc dù các gói hỗ trợ vật tư y tế chắc chắn sẽ giúp ích cho nhiều người dân ở các quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Anh – những nơi đã có hàng nghìn trường hợp tử vong. Nhưng trên thực tế, chính quyền tại các quốc gia này dường như lại đón nhận lòng tốt đó bằng sự dè chừng. Theo giới phân tích, các chuyến hàng viện trợ của Trung Quốc không đơn giản là một động thái nhân đạo đơn thuần mà là một phần trong nỗ lực rộng lớn của cái được gọi là "ngoại giao khẩu trang". Đây là nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện trên toàn thế giới và giúp thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu mà quốc gia này mong muốn từ lâu.
Theo bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã gửi hỗ trợ y tế đến Italy, Iran, Serbia và Philippines, cũng như 1.140 máy thở đến bang New York, Mỹ vào đầu tháng Tư. Trong khi các quốc gia khác, bao gồm Tây Ban Nha, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua thiết bị y tế từ các công ty tư nhân Trung Quốc.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: "Trung Quốc đang nỗ lực để đáp lại thiện chí mà chúng tôi đã nhận được trước đó trong đại dịch, thực hiện hành động nhân đạo quốc tế và triển khai tầm nhìn của một cộng đồng có sự đồng lòng với tương lai chung của nhân loại. Chúng tôi sẽ không bao giờ đứng từ xa hay trốn tránh bạn bè khi họ gặp rắc rối. Chúng tôi sẽ không bao giờ lựa chọn hay yêu cầu thêm điều kiện khi mở rộng bàn tay giúp đỡ".
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực tiến hành "ngoại giao khẩu trang". Nước này muốn thế giới thấy rằng họ đang hết mình chống lại dịch bệnh, đồng thời muốn xoa dịu sự chỉ trích đi kèm những cáo buộc không hay liên quan đến việc covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc.
"Các quan chức Trung Quốc và bộ máy truyền thông của họ đang nỗ lực trên toàn thế giới để xây dựng hình ảnh Chính phủ Trung Quốc là giải pháp cho vấn đề, chứ không phải là một trong những nguồn gốc của vấn đề", Sophie Richardson, thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói với Business Insider.
"Ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc dường như đã đạt được hiệu quả khả thi ở một số quốc gia châu Âu như Serbia, Hungary. Khi các thiết bị y tế viện trợ của Trung Quốc tới nơi, biển quảng cáo với gương mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với dòng chữ "cảm ơn ông Tập" đã được trưng tại nhiều nơi ở Belgrade, Thủ đô của Serbia.
Nhưng, sự chào đón hồ hởi đó lại không xuất hiện ở hầu hết các nước phương Tây. Giới chức và chuyên gia y tế phương Tây vẫn không quên, dịch covid-19 bùng phát từ Trung Quốc. Đồng thời cho rằng Trung Quốc đã có những bước đi không phù hợp trong giai đoạn đầu khiến cho dịch bệnh trở nên mất kiểm soát.
Chuyển hướng châu Á
Sau khi triển khai gói hỗ trợ ở châu Âu và Trung Đông, Trung Quốc hiện đang tăng cường “ngoại giao khẩu trang” ở khu vực gần gũi hơn, đó là Đông Nam Á. Vào cuối tháng Ba, Bắc Kinh đã giao 40 tấn thiết bị y tế cho Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và cũng nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng covid-19 tồi tệ nhất trong khu vực.
Hình ảnh các chuyến giao hàng khẩu trang và bộ dụng cụ thử nghiệm của Trung Quốc tới Indonesia được mô tả như một sự hỗ trợ hữu hiệu và tăng cường hình ảnh của Bắc Kinh.
Với việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chỉ tập trung vào ngăn chặn sự bùng phát covid-19 tại Mỹ, Trung Quốc đang sử dụng hiệu quả các bước đi chiến lược của mình để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại trong ứng phó đại dịch trên bình diện toàn cầu.
Như tạp chí TIME mô tả, nếu chỉ xét trên khía cạnh ngoại giao, các nỗ lực của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia phương Tây cảm thấy nhiều tính toán khó chịu. Trong mối quan hệ đan xen vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây thì cuộc khủng hoảng covid-19 là cơ hội để ghi điểm và sẽ thật đáng tiếc nếu để lãng phí. Hiện tại, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này rất tốt.
Bên cạnh đó, “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc sẽ là cách thức tốt hơn để thiết lập quan hệ lâu dài với các quốc gia mà nước này muốn làm ăn và đầu tư. Trong vài năm trở lại đây, các hoạt động thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã bị chỉ trích về cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ”.
Nhiều học giả cho rằng Trung Quốc cố tình dụ dỗ các nước tham gia vào các dự án quốc tế và các khoản vay với lợi nhuận ngắn hạn, có vẻ sinh lợi, nhưng thực tế lại khiến các quốc gia này rơi vào các thỏa thuận cho vay dai dẳng và bị phụ thuộc. Hình thức triển khai này được Trung Quốc sử dụng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” với những dự án hạ tầng lớn ở Nam Á và châu Phi.
Thông qua việc cung cấp cứu trợ khẩn cấp tại các thời điểm quan trọng như thiên tai và khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả trong đại dịch covid-19, Trung Quốc sẽ có được quyền truy cập dễ dàng và đáng kể vào cơ sở hạ tầng quan trọng tại các quốc gia mà nước này hướng tới. Nó cũng là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ “có đi có lại” giữa hai bên. Từ đó, tiếng xấu về “ngoại giao bẫy nợ” bị xóa bỏ.
Nhưng quan trọng hơn, bằng cách cho phép nhập khẩu công nghệ, vật tư Trung Quốc đều đặn và ổn định, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể mở rộng thị phần cho các ngành công nghiệp non trẻ như công nghệ sinh học và thiết bị y tế một cách hiệu quả. Đây là cách gián tiếp thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước và các thành phần quan trọng trong chiến lược Made in China 2025.