> Sự 'sống còn' của nền báo chí
Theo ông Cuông, việc Bộ công an đề xuất sửa đổi điều 7 Luật Báo chí: “...thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng” là quyền của Bộ công an, tuy nhiên việc đề xuất đó có được dư luận, Quốc hội và các cơ quan thông tấn báo chí chấp nhận hay không lại là vấn đề khác.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 12. |
“Việc đề xuất của Bộ Công an là để có lợi cho công tác điều tra của ngành công an và là thẩm quyền của Bộ, nhưng phải nhìn vào góc độ toàn cục. Nhưng tôi chắc là dư luận không đồng tình. Trước đó, Quốc hội đã không đồng tình thì sắp tới Quốc hội cũng không đồng tình”, ông Cuông nói.
Ông Cuông cho rằng, cơ quan truyền thông là người trực tiếp đi thu thập thông tin từ người dân nhưng Bộ công an lại ra những quy định trái khoáy, không thuận cho công việc cung cấp thông tin của người dân, khiến cho dư luận không đồng tình. Còn việc cơ quan điều tra muốn có thông tin của báo chí thì phải được sự đồng tình của báo chí, hoặc muốn có thông tin thì cơ quan điều tra phải trả tiền để mua thông tin và còn xem báo chí có đồng ý cung cấp thông tin cho hay không, chứ không được dùng sức ép để bắt báo chí phải cung cấp thông tin cho mình.
“Trong khi hiện nay cơ chế để bảo vệ người chống tham nhũng của ta chưa tốt mà Bộ công an lại đưa ra quy định đề nghị báo chí cung cấp thông tin như vậy thì nó sẽ có tác hại và người dân thấy không an toàn, bất lợi, họ sẽ không cộng tác cung cấp thông tin cho phóng viên nữa. Như vậy vô tình sẽ làm thui chột vai trò của người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng. Theo tôi để đưa vào luật những vấn đề gì cần phải nhìn nhận vào nhiều khía cạnh, toàn cục, chứ không được theo hướng có có lợi cho một bộ, ngành nào và phải tính đến các hệ lụy của việc đề xuất đó có tác hại như thế nào”, ông Cuông nhấn mạnh.
Vị cựu đại biểu quốc hội này cũng đề xuất, để công tác phòng chống tham nhũng được hiệu quả hơn nữa cần phải sử dụng báo chí để tạo sức ép dư luận, răn đe, ngăn chặn.
“Tôi rất đồng tình với việc huy động báo chí vào công tác phòng chống tham nhũng, hay có thể nói là “bật đèn xanh” để cho báo chí vào cuộc tốt hơn nữa trong công tác này, tất nhiên phải theo Luật báo chí, để chiến đấu với tham nhũng. Cần phải sửa Luật Báo chí để mở rộng vai trò, quyền lực, phạm vi hoạt động cho báo chí, tuy nhiên nếu cơ quan báo chí làm sai thì sẽ bị pháp luật sẽ xử lý, còn báo chí làm đúng theo lý tưởng, cũng như sự mong đợi của người dân thì rất tốt. Tôi cho rằng báo chí là lực lượng tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng rất hiệu quả”, ông Cuông nhấn mạnh.
"Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng", đề xuất của Bộ Công an. |
Trước đó, tại văn bản trả lời các ý kiến chất vấn của cử tri (do bộ trưởng Công an ký), Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó có việc sửa đổi điều 7 Luật báo chí.
Cụ thể, Bộ Công an cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng "Chánh án TAND, viện trưởng VKSND và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Điều 7, Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý kiến của Bộ công an và chưa có văn bản chính thức nào kiến nghị Chính phủ, Quốc hội về vấn đề này.
Đề xuất này từng được đề cập vào năm 2012 trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, cụ thể: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị cơ quan thẩm tra bác bỏ.
Trả lời phỏng vấn Người đưa tin, luật sư Trương Toàn Thắng, trưởng VPLS Tâm Hoàng Nghĩa cho rằng: “Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải là nhiệm vụ riêng của ngành công an. Tất cả các ngành cũng như mọi tầng lớp nhân dân đều cần có ý thức chung tay đấu tranh đầy lùi “vấn nạn” này. Tuy nhiên mỗi ngành, nghề đều có những nguyên tắc hoạt động riêng, có tính độc lập và pháp luật phải tôn trọng những nguyên tắc đó. Việc đề xuất của ngành này mà ảnh hướng đến sự hoạt động bình thường của ngành khác thì dù vì mục đích gì cũng cần phải xem lại đề xuất ấy”.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính TW Đảng, ông Phạm Quốc Anh thẳng thắn cho hay: Nếu quy định như Bộ Công an đề xuất thì không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa.
Nhà báo Mai Phan Lợi, phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho phóng viên Người đưa tin biết: 'Kết quả khảo sát, nghiên cứu với hơn 100 nhà báo điều tra ở 12 tỉnh của chúng tôi tiến hành năm ngoái cho thấy, người tố cáo vẫn còn rất tin cậy kênh thông tin báo chí. Cùng thời điểm, kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ với Ngân hàng Thế giới cho thấy có một tỷ lệ cao các thành phần khác trong xã hội cho rằng báo chí đi trước cơ quan pháp luật trong phanh phui hành vi tham nhũng'.
'Từ đó thấy rằng, đối với người tố cáo thì báo chí hiện là một trong những lựa chọn tốt nhất của họ khi muốn đưa ra ánh sáng một hành vi xấu. Tại hội thảo năm ngoái, nhiều nhà báo có kinh nghiệm còn nói nguồn tin là yếu tố “sống còn” của báo chí, “bán” nguồn tin thì không ai dám cộng tác với báo chí nữa', ông Lợi nói.
Thủy Thanh (tổng hợp)