Dư nợ margin lập kỷ lục, ai đang dẫn dắt cuộc đua?

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 7, 26/07/2025 13:05

Đằng sau con số dư nợ cho vay margin lập kỷ lục là cuộc cạnh tranh khốc liệt về vốn, lãi suất và chiến lược “bơm đòn bẩy” giữa các công ty chứng khoán. Ai đang thực sự dẫn đầu cuộc đua và liệu thị trường có đang tiến gần ngưỡng cảnh báo?

Theo dữ liệu từ FiinTrade, tại thời điểm cuối quý II/2025, dư nợ margin của 70/85 công ty chứng khoán (nhóm chiếm 99,7% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành) đạt hơn 281.899 tỷ đồng, tăng 13,17% so với hồi đầu năm.

Mức tăng trưởng này góp phần làm tăng thanh khoản và hỗ trợ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân. Đây là quý tăng trưởng thứ 10 liên tiếp của hoạt động cho vay margin.

Dư nợ bứt phá giúp nguồn thu từ cho vay của các công ty chứng khoán tăng mạnh, đạt hơn 7.400 tỷ đồng trong quý II, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cùng thời điểm cuối quý II/2025, tổng vốn chủ sở hữu nhóm công ty chứng khoán vào khoảng 287.000 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Tỉ lệ margin/vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 theo đó tăng mạnh vượt 100%, cao nhất trong vòng 13 quý, kể từ quý II/2022. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm hồi cuối 2021 đến đầu 2022 (trên 120%).

Theo quy định, công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Hiện các công ty chứng khoán dẫn đầu về vốn chủ sở hữu như SSI, TCBS, VNDirect, VPBankS,… đều còn khá nhiều room cho vay. Ngược lại, tỉ lệ margin/vốn chủ sở hữu tại một số công ty chứng khoán như HSC, Mirae Asset, MBS, KIS Việt Nam hay Kafi đang gần ngưỡng tối đa.

Dòng tiền cho vay tăng tốc

Theo thống kê của Người Đưa Tin, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) tiếp tục là công ty có dư nợ cho vay lớn nhất toàn ngành.

Tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ cho vay của TCBS đạt mức kỷ lục 33.806 tỷ đồng, tăng 30% so với hồi đầu năm. Tỉ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn chủ sở hữu của TCBS ở mức 1,1 lần.

Nhờ đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của TCBS trong nửa đầu năm đạt gần 1.575.8 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.

Đứng thứ hai là Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) với dư nợ cho vay margin ở mức 32.860 tỷ đồng, tăng 11.045,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong nửa đầu năm, lãi từ các khoản cho vay và phải thu là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh khi tăng 65% lên 1.457,6 tỷ đồng, song doanh thu môi giới lại giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính quý II/2025, Chứng khoán VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, song mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty.

Hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 1.033 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2025, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 17.435 tỷ đồng, tăng tới 4.942 tỷ so với đầu năm, song con số này lại thu hẹp hơn 902 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với 17.013,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, VPBankS lại là công ty chứng khoán đứng đầu về tăng trưởng dư nợ cho vay. Cụ thể, dư nợ cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán này tăng từ hơn 9.400 tỷ đồng hồi đầu năm lên 17.653 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý II, tương ứng với mức tăng 53%.

Con số trên đã đem về 645,8 tỷ đồng tiền lãi từ cho vay và phải thu cho VPBankS trong nửa đầu năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ.

Loạt tên tuổi mới trỗi dậy

Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc trong nhóm công ty chứng khoán dẫn đầu về cho vay ký quỹ, quý II/2025 chứng kiến sự trỗi dậy rõ rệt của nhiều "gương mặt mới" đang dần chiếm lĩnh thị phần và tái định hình cuộc đua margin toàn ngành.

Đáng chú ý nhất là Chứng khoán ACB (ACBS), khi đơn vị này chính thức gia nhập "Câu lạc bộ margin 10.000 tỷ đồng" với dư nợ cho vay cuối quý II đạt 11.508 tỷ đồng, tăng 2.818 tỷ đồng so với đầu năm.

Chứng khoán MB (MBS)Vietcap (VCSC) cũng ghi dấu ấn với đà mở rộng dư nợ mạnh mẽ. Cả hai công ty đều tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong quý II, nâng tổng dư nợ margin lên lần lượt 12.795,7 tỷ đồng và 11.307 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng này, MBS và Vietcap đang từng bước thu hẹp khoảng cách với nhóm đầu bảng.

Không dừng lại ở đó, hai cái tên khác là Chứng khoán VIXChứng khoán Kafi cũng đang nổi lên như những "ngựa ô" đáng chú ý khi dư nợ margin tiệm cận mốc 10.000 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, dư nợ margin của VIX đạt 9.277 tỷ đồng, trong khi Kafi chạm ngưỡng 8.712 tỷ đồng.

Sức nóng của margin và bài toán rủi ro

Ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu Chứng khoán VPBankS cho rằng, thị trường margin bùng nổ và lợi nhuận cho vay đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu lợi nhuận là các động lực lớn cho ngành chứng khoán trong thời gian tới.

Về động lực nội tại, ngành chứng khoán có ba yếu tố then chốt, đặc biệt với nhóm công ty niêm yết.

Thứ nhất là tăng trưởng thu nhập, với cấu trúc lợi nhuận đã thay đổi khi lãi từ cho vay ngày càng giữ vai trò quan trọng. Thứ hai là cổ tức và lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) từ cuối 2025 đến 2026 sẽ cải thiện, gắn liền với lượng phát hành trái phiếu phi ngân hàng bứt phá do đáo hạn lượng lớn vào cuối năm 2025. Thứ ba là sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động môi giới nhờ khối ngoại quay lại và kỳ vọng nâng hạng.

Cũng theo ông Dương, thị trường margin bùng nổ cũng là động lực to lớn cho ngành chứng khoán, nhưng dự báo sẽ có sự phân hóa rõ rệt vào giai đoạn 2025 - 2026, với ưu thế hơn cho các công ty chứng khoán còn nhiều dư địa cho vay.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, việc dư nợ margin tăng mạnh trong thời gian qua có thể được nhìn nhận theo hai chiều, đó là dấu hiệu của sự lạc quan và dòng tiền mạnh mẽ, nhưng đồng thời hàm chứa không ít rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán.

Dư nợ margin tăng cao phản ánh niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân vào xu hướng tăng trưởng của thị trường. Trong bối cảnh VN-Index vượt mốc kháng cự quan trọng 1.500 điểm và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn xác lập đỉnh mới, nhà đầu tư sẵn sàng sử dụng đòn bẩy để tối ưu hóa lợi nhuận.

img

Nhà đầu tư cá nhân cần sử dụng margin một cách có chọn lọc và kiểm soát tỉ lệ đòn bẩy phù hợp với khẩu vị rủi ro.

Đối với các công ty chứng khoán, tăng trưởng dư nợ margin đồng nghĩa với doanh thu từ lãi vay tăng mạnh, đóng vai trò là một trong những trụ cột lợi nhuận trong bối cảnh hoạt động môi giới cạnh tranh về phí và các nghiệp vụ IB chưa phục hồi toàn diện.

Tuy nhiên, việc một số công ty chứng khoán đã tiệm cận hoặc chạm trần tỉ lệ cho vay margin cũng là tín hiệu cảnh báo. Khi dư địa mở rộng margin không còn nhiều, khả năng tiếp tục hỗ trợ dòng tiền mới bị hạn chế, nhất là trong những nhịp điều chỉnh sâu hoặc biến động chính sách.

Đáng lo ngại hơn, khi đòn bẩy toàn thị trường đạt mức cao, chỉ cần một cú sốc giảm điểm mạnh có thể kích hoạt hiệu ứng domino call margin, buộc nhà đầu tư bán tháo tài sản, tạo ra chuỗi giảm giá dây chuyền và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Điều này từng xảy ra trong giai đoạn đầu năm 2022, khi dư nợ margin cũng đạt đỉnh và thị trường nhanh chóng điều chỉnh sâu.

Ngoài ra, chất lượng tài sản đảm bảo cho margin, tức cổ phiếu đang được cấp margin cũng cần được giám sát chặt chẽ. Việc một số cổ phiếu bị cắt margin do yếu kém tài chính hay vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin có thể dẫn đến rủi ro mất thanh khoản và làm tăng áp lực xử lý nợ xấu cho các công ty chứng khoán.

Chính vì vậy, nhà đầu tư cá nhân cần sử dụng margin một cách có chọn lọc và kiểm soát tỉ lệ đòn bẩy phù hợp với khẩu vị rủi ro, tránh trạng thái "full margin" trong các nhịp thị trường đang ở vùng cao. Việc đặt ra tỉ lệ dừng lỗ và tái cơ cấu danh mục chủ động là rất quan trọng.

Đối với công ty chứng khoán, nên xem xét việc tăng vốn điều lệ để mở rộng room cho vay hợp pháp, đồng thời siết lại tiêu chuẩn cấp margin, ưu tiên các cổ phiếu có thanh khoản tốt, nền tảng tài chính minh bạch.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.