Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang kéo dài thời hạn lấy ý kiến đóng góp của dư luận để hoàn thiện. Điều này rất đáng hoan nghênh. Qua báo chí, tôi nhận thấy rất nhiều ý kiến phản hồi của chuyên gia, nhà giáo nhưng phần đông vẫn đang hoài nghi, e ngại về tính khả thi và sự thành công của công cuộc cải cách giáo dục toàn diện này.
Đào tạo một thế hệ đủ đức, đủ tài là mục tiêu then chốt của công cuộc đổi mới. Mục tiêu này đạt được hay không cần có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: Xây dựng khung chương trình, soạn thảo sách giáo khoa, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, chuẩn bị cơ sở vật chất… và cần cả sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra mọi “viên gạch nền móng” cho sự thành công vẫn còn rất dang dở.
Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông ở các cấp học từ tiểu học đến trung học cơ sở theo các chuyên gia còn khá nặng nề, ôm đồm về kiến thức. Bản thân tôi thấy ngay từ cấp tiểu học, các em đã phải học quá nhiều môn với tổng số tiết theo tính toán của những người chuyên môn là “quá tải”: Tổng thời lượng lớp 1-3 là 1.147 tiết, lớp 4-5 là 1.184 tiết.
Thêm vào đó là sự tăng cường các môn học trải nghiệm sáng tạo, thế giới công nghệ, tìm hiểu công nghệ, tìm hiểu tin học… Một vấn đề quan trọng nữa là việc thay đổi các môn học có thay đổi cấu trúc, nội dung môn học không hay đơn thuần chỉ là đổi tên. Ví dụ: Giáo dục lối sống rất gần với môn Đạo đức trước đây, Cuộc sống quanh ta là môn Khoa học và xã hội gộp lại…
Thứ hai, việc xây dựng nội dung môn học, viết sách giáo khoa vẫn chưa được bắt tay vào thực hiện. Theo dự định, khoảng tháng 4/2018 sẽ có sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6 rồi cứ thế “cuốn chiếu” lên các lớp cao hơn. Thú thật, mọi chuyện không đơn giản là việc tập trung soạn sách, xuất bản và cứ thế mà triển khai dạy học.
Sách giáo khoa cần thêm một khoảng thời gian lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Không thể nào chấp nhận tình trạng vừa dạy vừa chỉnh sửa. Cũng không thể chấp nhận tình huống đặt mọi việc vào sự đã rồi, sách giáo khoa có vấn đề gì thì vẫn dạy, muốn thay đổi thì chờ cuộc cải cách giáo dục tiếp theo.
Thứ ba, đội ngũ nhà giáo thực hiện công cuộc đổi mới này chưa hề có một sự biến chuyển nào về tư duy cũng như năng lực sư phạm đáp ứng công cuộc đổi mới. Giáo viên vẫn đang xoay theo chương trình hiện hành và phương pháp dạy học lâu nay. Tôi từng hỏi một số người làm nghề giáo về vấn đề này, họ trả lời rất thờ ơ, bàng quan như đó là chuyện đâu đâu chẳng liên quan đến mình.
Năng lực chuyên môn, khả năng sư phạm tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người giáo viên rất quan trọng. Vậy là còn hơn một năm để giáo viên “chạy” theo các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các môn học tích hợp. Nhưng tôi và nhiều người rất lo ngại tình trạng giáo viên vừa dạy vừa nghiên cứu giáo án, vừa đọc vừa chép hoặc “đứng hình” khi học sinh hỏi một kiến thức chuyên sâu của môn học.
Thứ tư, việc chuẩn bị cơ sở vật chất đã đáp ứng công cuộc đổi mới chưa? Cấp tiểu học tiến hành học 2 buổi/ngày trong khi trường lớp nhiều nơi vẫn còn thiếu thốn, xuống cấp, tình trạng bàn ghế không đạt chuẩn vẫn tồn tại. Mặt khác, việc học sinh được lựa chọn môn học tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng cùng một thời điểm phải dạy nhiều môn với nhiều giáo viên ở nhiều lớp học. Cơ sở vật chất trường lớp hiện tại khó mà kham nổi.
Đó là còn chưa kể đến một số môn học mới như Tìm hiểu công nghệ, Thế giới công nghệ, Trải nghiệm sáng tạo,… tất nhiên rất cần một bộ đồ dùng dạy học sinh động, phong phú cũng như các điều kiện vật chất khác thay vì chỉ dạy học “chay” với sách giáo khoa.
Thứ năm, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này chưa nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh học sinh. Một bộ phận khá bàng quan với dự thảo cải cách giáo dục. Một bộ phận khác lại “ngoảnh mặt”, “quay lưng” và “phán”: “Giáo dục cứ cải cách, đổi mới nhưng cuối cùng vẫn quay về điểm xuất phát”, “Lại tiếp tục những thế hệ chuột bạch được nhân giống”,…
Tranh thủ sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh là việc cực kỳ quan trọng, bởi chính con em họ là đối tượng chính chịu tác động của công cuộc cải cách. Công tác tuyên truyền và phổ biến sâu rộng về những thay đổi tích cực của dự thảo chỉ mới dừng lại ở một giới hạn nhất định. Những điểm cộng của lần đổi mới này như tích cực phát huy năng lực người học, tăng cường khả năng thực hành - ứng dụng, triển khai dạy học liên môn,… vẫn chưa thật sự thẩm thấu vào đa số phụ huynh.
Dự thảo đã "vẽ" ra tương lai tươi sáng của giáo dục nước nhà nhưng điều quan trọng là: Chúng ta phải đi như thế nào để đến được đó? Mọi thứ vẫn còn đang rất mơ hồ từ xây dựng cấu trúc, nội dung môn học, biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên…
Giáo dục rất kỵ nóng vội, cập rập. Bởi sai lầm một li trong giáo dục có thể đi chệch cả hàng dặm sau này. Việc bộ GD&ĐT tiến hành dạy thí điểm ở một số địa phương, một số trường học đạt chuẩn về điều kiện trường lớp, đội ngũ giáo viên, sau đó mới đánh giá một cách toàn diện về ưu, nhược điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng đại trà là việc làm cần thiết.
Nguyễn Ngọc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả