Nhiều điểm chưa phù hợp
Qua phân tích bản dự thảo “Phòng chống tác hại của rượu bia”, nhiều ý kiến của các chuyên gia, luật sư cho rằng, nhiều điểm trong dự thảo luật nêu ra chưa phù hợp, nếu theo dự thảo luật này thì rượu bia chỉ có hại chứ không có lợi.
Cụ thể, luật sư Phạm Minh Đức, công ty Luật Galaxy cho biết, hiện nay luật về kiểm soát rượu bia đã có trong nhiều văn bản luật khác nhau. Bộ Y tế đề xuất dự thảo này là tổng hợp và bổ sung thêm một số điều mới, tuy nhiên nhiều điều không phù hợp với thực tiễn, có phần khiên cưỡng.
Ông ví dụ: "Dự thảo luật có nội dung hạn chế rượu bia trong đám cưới, không ép người dưới 18 tuổi uống rượu… Trong một đám cưới, một cuộc vui khi đã ngồi xuống bàn làm sao có thể biết ai đủ tuổi, biết được ai ép rượu mà có thể xử lý".
Đồng ý với ý kiến này, bà Phan Thị Sửu, viện Thực phẩm dinh dưỡng, bổ sung: “Bản chất rượu bia sản xuất đúng tiêu chuẩn và người dùng đúng cách sẽ có lợi cho sức khoẻ. Trong dự thảo có quy định về phạm vi quảng cáo bán rượu bia phải cách 200m các cơ sở giáo dục, vui chơi trẻ em, trong thực tế làm sao có đủ nhân lực để đo đếm khoảng cách đó. Khoảng cách 200m hay 190m là rất trừu tượng”.
Theo ông Lương Xuân Dũng, đại diện hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam: “Hiện nay có hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất rượu thủ công tại địa phương không hề có giấy phép, chứng chỉ. Nhiều vụ ngộ độc rượu do người dân uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả gây ra. Vì vậy cần có quy định để kiểm soát vấn đề này, tránh gây nguy hiểm cho người dân và thất thoát ngân sách”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Hội Luật gia Việt Nam đánh giá, đây là vấn đề rất khó kiểm soát và quản lý, trong khi dự thảo cũng không quy định xử lý rõ ràng. Vì vậy cần sớm có quy định để đánh giá, kiểm tra, bởi thực tế nhiều địa phương sản xuất rượu thủ công cũng đạt chuẩn.
Theo ý kiến một số chuyên gia, nhiều câu trong dự thảo luật "Phòng chống tác hại của rượu bia" dài dòng, không cụ thể, ban Soạn thảo cần xem xét để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Cần đánh giá toàn diện
Nhiều chuyên gia cho rằng, rượu bia có hai mặt; Nó sẽ là một sản phẩm tốt nếu sử dụng đúng cách, thực tế đã được chứng minh trong y học. Còn khi người dùng lạm dụng sẽ gây ra tác hại.
Vì vậy nếu luật là “Phòng chống tác hại của rượu bia” sẽ đánh đồng rượu bia chỉ có tác hại giống như luật Phòng chống ma tuý, mại dâm, Phòng chống rửa tiền...
Bản chất luật về rượu bia là hướng tới việc kiểm soát rượu bia, trong đó, hướng người dùng sử dụng đến một ngưỡng phù hợp để không gây ra hậu quả. Cùng với đó, việc buôn bán sản xuất rượu bia phải được kiểm soát để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn, quy định.
Nhiều ý kiến đồng ý với nhận định, điều quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền để hướng người dân nhận thức, từ đó người dân tự điều chỉnh hành vi uống rượu bia cho đúng, phù hợp và có văn hoá.
“Nhật Bản là quốc gia uống rượu thuộc top đầu châu Á, tuy nhiên họ uống rượu rất văn minh, không để ảnh hưởng đến công việc, giao thông... Họ sử dụng đúng liều lượng và kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nên người dùng tốt cho sức khoẻ và tuổi thọ trung bình của Nhật Bản thuộc nhóm cao nhất Thế giới”, luật sư Phạm Minh Đức nói.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ban hành Luật để kiểm soát quản lý rượu bia. Tuy nhiên, rượu bia có hai mặt, ngoài những mặt hạn chế mà chủ yếu do con người lạm dụng thì cũng cần đánh giá những mặt tích cực của sản phẩm này. Nếu chỉ coi rượu bia là thứ độc hại thì không công bằng cho sản phẩm này”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam bày tỏ.
Hiện tại, dự thảo “Phòng chống tác hại của rượu bia” vẫn đang được bộ Y tế và Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp thu, lấy ý kiến, chính thức trình lên Quốc hội vào ngày 9/11 tới.