"Bộ GD&ĐT phải cảm thấy xấu hổ khi đưa ra dự thảo này"
Mới đây, bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo lấy ý kiến về Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên, trong đó bổ sung quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Dù ngay sau đó nội dung này đã được rút khỏi cổng thông tin của bộ GD&ĐT, nhưng dự thảo này vẫn đang nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển) bày tỏ: “Thông thường cuộc sống người ta vẫn thường nói “quá tam 3 bận” đã là quá lắm, đây còn bán dâm đến 4 lần mới bị đuổi học, sao lại để con số này? Với bất kỳ sinh viên nào, bán dâm một lần là không thể chấp nhận được, huống gì bán dâm đến lần thứ 4, mà hơn nữa lại là sinh viên ngành sư phạm, những giáo viên trong tương lai. Nếu như sau này, học trò biết việc giáo viên đã từng đi bán dâm thì phản ứng sẽ như thế nào, người thầy đó có còn đứng trên bục giảng được nữa hay không. Đây là một dự thảo lạ lùng và chưa bao giờ thấy.
Tôi cũng là người làm việc rất nhiều với sinh viên, hướng dẫn những luận văn, luận án về lối sống sinh viên thì tôi thấy ngạc nhiên. Bởi, từ dự thảo này, người ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao sinh viên lại có hiện tượng như vậy, phải chăng đây là điều đáng báo động? Sinh viên đã bán dâm, bán không chỉ 1 lần mà bán đến 4 lần. Bán dâm đã trở thành phổ biến hay sao mà đến lần thứ 4 mới bị đuổi học? Vậy có nghĩa mặc nhiên thừa nhận trong sinh viên có hiện tượng đi bán dâm? Đây là điều đáng buồn. Bộ GD&ĐT phải cảm thấy xấu hổ khi đưa ra dự thảo này”.
Cùng trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận xét: “Đối với dự thảo này chúng ta có thể nhìn dưới 2 góc độ. Thứ nhất, thực tiễn hiện nay trong sinh viên cũng có những em kiếm tiền một cách không đứng đắn. Ở một số trường đại học ít nhiều cũng có, chính vì thế chúng ta cần chấn chỉnh lại đạo đức cũng như phẩm chất của sinh viên, sinh viên nữ, nhất là sinh viên trong ngành sư phạm với một chuẩn mực hơn, siết chặt hơn. Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo cũng nhằm siết lại kỷ luật.
Tuy nhiên, ngoài muốn phản ánh phần nào thực tế thì nó lại nảy sinh khía cạnh thứ 2, đó chính là trình độ của người quản lý, của chuyên viên, lãnh đạo ký những dự thảo này. Chúng ta cần phải xem lại trình độ, hiểu biết về pháp luật của những người đó.
Bởi, nhà trường làm sao có đủ thẩm quyền, đủ điều kiện để biết được một sinh viên đó đi bán dâm mấy lần, mại dâm lần thứ mấy và dựa vào đâu để khẳng định điều đó?”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, hiện nay, cách ra văn bản của một số bộ, ngành bị công luận phản ứng. Lẽ ra, những ý tưởng đó, dự thảo đó phải bàn kỹ trong nội bộ, mời những chuyên gia tư vấn, thậm chí phải xin ý kiến các nhà chuyên môn, tham khảo, góp ý rồi phổ biến sẽ tránh được những lỗi ngớ ngẩn như vậy.
Mai Thu