Tối ngày 29/10, dư luận xôn xao trước dự thảo lấy ý kiến về việc Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký có nêu: Nếu sinh viên hoạt động mại dâm lần đầu sẽ bị khiển trách; lần 2 bị cảnh cáo; lần 3 đình chỉ học có thời hạn và lần 4 sẽ buộc thôi học. Văn bản dự thảo này đăng trên website của Bộ GD&ĐT.
Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến của các vị ĐBQH xoay quanh Dự thảo quy định sinh viên bán dâm lần thứ 4 sẽ bị đuổi học.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự bức xúc: “ Tôi thấy dự thảo hết sức quái đản. Theo tôi tìm hiểu thì dự thảo đã có thông tư từ năm 2016 về quy chế quản lý sinh viên của khối đại học sư phạm.
Xin nói rằng, trường sư phạm là trường sẽ đào tạo những giáo viên tương lai, người thầy người cô tương lai nhưng lại có những điều khoản hết sức xúc phạm, phản giáo dục và vô văn hóa, trái pháp luật như chuyện bán dâm mà đếm số lần, rồi 4 lần thì buộc bị thôi học. Trong khi đó, việc bán dâm là hành vi mà pháp luật không cho phép, điều này càng không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm.
Tôi cũng rất thắc mắc về tư duy, nhận thức của những người đã chấp bút dự thảo, ra những văn bản thế này và thắc mắc về người ký”.
Từ những điều này, ĐBQH Phong Lan trăn trở về việc lấy lại niềm tin, uy tín và hình ảnh cho người thầy: “Đất nước chúng ta từ xưa đến nay vẫn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, tôi cũng là một nhà giáo nên tôi hết sức đau lòng, hết sức phẫn nộ trước việc này”.
Cũng trao đổi thêm với PV, ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho rằng, khi đọc được thông tin về dự thảo quy định sinh viên bán dâm lần thứ 4 sẽ bị đuổi học bản thân ông cảm thấy rất bất ngờ.
“Đây chưa phải văn bản của Bộ GD&ĐT, mà là dự thảo cũ trước đây của một số trường. Tôi nghĩ Bộ trưởng GD&ĐT sẽ có hướng xử lý, chấn chỉnh lại việc những đề xuất của Bộ, phải có quy chế rõ ràng khi thông tin, không phải cứ có dự thảo lại đưa ra, đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Còn với người ra văn bản, dự thảo đó thì tùy mức độ xem xét để có hướng xử lý rút kinh nghiệm hoặc chấn chỉnh một cách cụ thể, phải làm như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh”.
Hoàng Bích - Nguyễn Hường