Sáng 30/10, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn cho phóng viên báo chí tuyên truyền nội dung dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị, trình bày chuyên đề: Thông tin về các nội dung cốt lõi của dự thảo văn kiện trình đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đại hội XIII được tiến hành theo phương châm: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển".
Theo PGS. TS Phạm Văn Linh cho biết, chủ đề đại hội là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo đó, dự thảo báo cáo Chính trị trình đại hội XIII gồm 15 mục lớn với 15 vấn đề lớn. Đây là những vấn đề lớn, có tính trọng tâm và bao quát.
Đặc biết, trong báo cáo Chính trị đánh giá được kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội XII, diện mạo đất nước… Phần tổng kết đánh giá này có tầm bao quát của đất nước sau 5 năm qua và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới.
Trong nhiệm kỳ đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô nền kinh tế được nâng lên; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Theo PGS.TS Phạm Văn Linh, sau 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội XII của Đảng, rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hoá trong nội bộ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Hai là, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo…
Bốn là, xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo hài hoà giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và chính trị, văn hoá, xã hội…
Năm là, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bắt ngờ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ốn định để phát triển đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, PGS.TS Phạm Văn Linh nhận định.
Hương Lan