Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 115/2013 (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 31/2020).
Một trong những điểm mới của dự thảo lần này đang được dư luận quan tâm là quy định về việc xử lý đối với tang vật, xe vi phạm đã hết hạn tạm giữ.
Theo đó, ở quy định hiện hành, trong thời hạn 33 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu.
Tuy nhiên, theo dự thảo lần này, trong vòng 1 tháng cộng 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn tạm giữ, xe vi phạm sẽ bị tịch thu nếu như người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng. Trường hợp không xác định được người vi phạm thì thời gian này là 1 năm cộng 15 ngày làm việc.
Tang vật, xe vi phạm sau khi bị tịch thu và được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản liên quan.
Bày tỏ quan điểm về dự thảo quy định mới này, trao đổi với Người Đưa Tin, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV) cho rằng: “Quan điểm của tôi, đối với số lần thông báo cho người vi phạm hành chính đến nhận lại tang vật, phương tiện vi phạm thì có thể tăng lên. Tuy nhiên, thời hạn quy định để tịch thu phương tiện thì không nên tăng”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng đặt vấn đề: “Trước đây, chúng ta còn quản lý bằng phương pháp thủ công hơn mà thời hạn quy định là 33 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận thì phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu.
Còn hiện nay, với điều kiện chúng ta quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi người vi phạm bị tạm giữ xe thì đã phải xuất trình căn cước công dân, xác định được nhân thân của người đó. Vậy tại sao lại đi theo hướng kéo dài thời gian đến xử lý?”.
“Trên thực tế, tình trạng người dân không đến cơ quan chức năng để tiến hành làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính và nhận lại phương tiện, phần lớn không phải là do họ không nắm được thông báo, mà chủ yếu do mức phạt cao hoặc do hành vi vi phạm nghiêm trọng nên họ bỏ phương tiện đó. Nếu họ đã cố tình bỏ phương tiện thì cũng không cần phải kéo dài thời gian xử lý, như vậy sẽ không đúng với tinh thần siết chặt quy định, kỷ cương.
Do vậy, tôi cho rằng, nên tính toán giữ nguyên thời hạn xử lý vi phạm”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồng, trong quá trình lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng cần sử dụng triệt để việc quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm chặt chẽ, nếu không sẽ “nhờn” quy định. Trong một số trường hợp, người vi phạm tính toán đến việc nếu bị tạm giữ phương tiện giao thông thì sẽ không nhận lại, cho nên họ đi phương tiện có giá trị thấp hoặc không có giấy tờ… Vì thế, cần phải “bịt” những lỗ hổng đó. Hơn nữa, nếu người vi phạm cố tình không nhận lại phương tiện thì việc kéo dài thời gian xử lý, để lâu ngày sẽ gây hư hỏng tài sản, ô nhiễm môi trường…
Cũng nhìn nhận về dự thảo quy định mới này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng: “Thời hạn thực hiện việc tịch thu tang vật, phương tiện do cơ quan chức năng đặt ra, tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là thông báo phải tới tận tay người bị tạm giữ tang vật, phương tiện. Nếu đã thông báo mà người vi phạm không đến giải quyết thì việc tịch thu là đương nhiên.
Sau khi tịch thu, tài sản đó sung công quỹ, bán được sẽ thu tiền về cho ngân sách nhà nước. Còn nếu để tồn kho lâu ngày sẽ làm lãng phí của xã hội”.
Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: “Thực tế, có nhiều người không đến lấy lại xe vi phạm, bởi vì giá trị của chiếc xe không cao, nhưng tiền phạt lại cao gấp mấy lần giá trị xe, vì thế mà họ bỏ luôn xe”.