Công thức nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?
Chưa đầy hai tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tới Nhà Trắng, Thổ Nhĩ Kỳ đã khuấy động căng thẳng một lần nữa bằng việc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Theo các nhà phân tích, Ankara dự kiến sẽ đưa ra một công thức trung lập trong vấn đề S-400 để không làm mất lòng Nga, trong khi sẵn lòng hòa giải với Mỹ.
Hệ thống S-400 dự kiến sẽ được kích hoạt vào tháng 4. Dường như cho đến lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào việc thuyết phục các đối tác phương Tây ở NATO chống lại các lệnh trừng phạt từ Mỹ bằng cách sử dụng đòn bẩy chiến lược.
Một số nhà quan sát tin rằng, Ankara sẽ không chấp nhận từ bỏ S-400 nhưng có thể đồng ý kích hoạt hệ thống này một cách giới hạn.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giới hạn phạm vi radar S-400 trong khoảng 100 km, thấp hơn tầm bắn tối đa 600 km để ngăn chặn xung đột với các hệ thống NATO và loại bỏ nguy cơ xâm phạm bí mật của máy bay tàng hình F-35.
Khi được hỏi về khả năng tồn tại của phương án này nhằm trấn an NATO, một chuyên gia quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho rằng, về mặt kỹ thuật là khả thi nhưng nó sẽ không phù hợp trên thực tế.
Theo chuyên gia này, kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng với Nga dường như có nhiều khả năng hơn.
Trong khi đó, chuyên gia người Nga Aydin Sezer lại tỏ ra lạc quan về công thức này sẽ phát huy tác dụng.
“Vấn đề của Mỹ liên quan đến năng lực của radar S-400. Họ không muốn các radar này thăm dò F-35. Nếu một radar tầm ngắn được triển khai, Mỹ sẽ không để lọt đối tượng trong tầm ngắm chỉ 100km của S-400”, ông nói với Al-Monitor.
Đối với Sezer, sự kiên quyết của Tổng thống Erdogan đối với tranh cãi S-400 có liên quan đến mục đích lấy lòng công chúng trong nước.
“Tôi nghĩ rằng vấn đề S-400 vẫn đang được coi như một quân bài thương lượng trong mối quan hệ với Mỹ. Giống như chiến dịch ở Syria và các vấn đề phía Đông Địa Trung Hải, S-400 là một vấn đề hữu ích đối với chính trị trong nước”, ông nói.
Nga không muốn Thổ Nhĩ Kỳ rời NATO?
Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO - dự kiến diễn ra vào ngày 3-4/12 tại London – sẽ mang đến cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội sử dụng vị thế thành viên của mình để làm dịu đi sự phản đối của liên minh.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Ankara đã cho thấy khả năng phá vỡ sự thống nhất của liên minh như thế nào giữa lúc NATO đang tìm kiếm sự đồng thuận của tất cả 29 thành viên cho kế hoạch quân sự bảo vệ Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia trước cái gọi là “mối đe dọa từ Nga”.
Ankara đã từ chối phê duyệt kế hoạch này cho đến khi NATO công nhận người Kurd ở Syria là mối đe dọa khủng bố. Giới quan sát tin rằng, một kịch bản tương tự như vậy cũng sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ ứng dụng trong trong cuộc tranh cãi S-400.
Tarik Oguzlu, một học giả về quan hệ quốc tế, tin rằng việc đưa tranh cãi S-400 vào NATO là một động thái hợp lý khi nó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng.
Theo Oguzlu, bất kỳ cuộc đàm phán nào thông qua NATO đều có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì cơ chế đa phương tại đây. Lập trường của Mỹ khó khăn vì không có sự đồng thuận giữa Tổng thống Trump và các cơ quan quyền lực khác. Một giải pháp trong khuôn khổ NATO sẽ giúp giải tỏa cho các bên.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ tại bàn đàm phán của NATO phản tác dụng, khiến nước này phải quay lưng với S-400? Nga sẽ phản ứng thế nào trước một động thái như vậy?
Đã có những lập luận võ đoán theo kiểu Nga đang cố gắng kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO, rằng thỏa thuận S-400 về cơ bản là nhằm vào mục đích đó và Moscow sẽ trừng phạt Ankara nếu từ bỏ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, các chiến lược dài hạn của Nga đòi hỏi nước này phải kiềm chế đủ để không gây ồn ào. Chuyên gia Sezer cho biết quan hệ đối tác mà Moscow và Ankara đang xây dựng quan trọng hơn nhiều khi so với thỏa thuận S-400.
Ngay cả khi Tổng thống Erdogan từ bỏ S-400, Nga có thể sẽ không phản ứng quá nghiêm trọng về điều đó. Tranh cãi mới nhất về kế hoạch bảo vệ các nước Baltic của NATO là một bằng chứng khác cho thấy Nga không quan tâm đến việc Thổ Nhĩ Kỳ có tách ra khỏi phương Tây hay không.
“Trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ có giá trị đối với Nga miễn là khi nước này là một phần của NATO”, chuyên gia Sezer nói. “Chính sách đối ngoại của Nga không liên quan đến việc đối kháng với bất kỳ ai. Đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn Syria và người Kurd”.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát tin rằng phản ứng của Nga khi vấn đề S-400 tan vỡ có thể diễn ra ở Syria. Lập luận cho rằng Nga không còn gì có thể đạt được trên cơ sở quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong trạng thái cân bằng hiện tại với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang nỗ lực vượt qua bế tắc ở Idlib và hòa giải giữa người Kurd với Damascus. Do đó, lý do chính khiến Nga tiếp tục linh hoạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ là thỏa thuận S-400.
Nhà báo và nhà bình luận chính sách đối ngoại Ceyda Karan đồng ý rằng vấn đề S-400 có liên quan đến sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, nhưng chỉ ra rằng tầm nhìn của Nga trong vấn đề này đã vượt qua khuôn khổ Syria.
“Tổng thống Erdogan đã khéo léo áp dụng những con át chủ bài của mình ở Mỹ và Nga - đó là sự thật. Ông hiện đang cố gắng trì hoãn cuộc khủng hoảng S-400 càng lâu càng tốt và tìm ra công thức thông qua NATO”, nhà bình luận Karan nói với Al-Monitor.
“Đối với Nga, giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt ra ngoài khuôn khổ Syria. Một Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết với chương trình nghị sự riêng mình trong NATO sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Điều này được minh chứng ở thời điểm hiện tại, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang phá quấy kế hoạch bảo vệ các nước Baltic của NATO. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là người đầu tiên phản đối”, Karan ví von.