Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã giảm 54 tỷ USD xuống còn 1,238 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017.
Dữ liệu về dự trữ ngoại hối của Nhật Bản được đưa ra một tuần sau khi các số liệu của Bộ Tài chính nước này cho thấy Tokyo đã chi tới 19,32 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ vào tháng trước.
Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản bao gồm tiền gửi tại các ngân hàng trung ương ở nước ngoài và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), chứng khoán bao gồm trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng, vị thế ròng và quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Bộ Tài chính Nhật Bản không tiết lộ cấu tạo của các loại tiền tệ dự trữ, nhưng một phần lớn trong số đó được cho là bằng đồng USD, vì động thái gần đây của chính phủ Nhật đã gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu trong nước.
Thị trường đồn đoán rằng Tokyo đã bán tài sản bằng USD như trái phiếu kho bạc Mỹ để tiến hành can thiệp nhằm cứu vãn đồng Yên sau khi đồng tiền này chạm đáy 24 năm so với đồng bạc xanh.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản hôm 7/10 càng chứng minh giả định này vì giá trị chứng khoán trong kho dự trữ Nhật Bản đã giảm từ 1,036 nghìn tỷ USD xuống 985,27 tỷ USD vào cuối tháng 8.
Nỗ lực trong nước
Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại nhiều hơn về ảnh hưởng của việc đồng Yên giảm mạnh đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các nhà đầu tư quốc gia này đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu can thiệp hàng ngày trong quý III (dự kiến được công bố vào tháng 11) để xem liệu các nhà chức trách Nhật Bản có tiến hành can thiệp mà không có thông báo chính thức hay không.
Việc can thiệp mua đồng Yên, bán USD hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản vì quốc gia này từ lâu đã coi xuất khẩu ô tô và đồ điện tử là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhật Bản mới chỉ chính thức can thiệp thị trường vào ngày 22/9 khi đồng Yên giảm mạnh xuống gần 146 Yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 24 năm qua.
Chính phủ Nhật Bản từng chi 2,6 nghìn tỷ Yên vào tháng 4/1998 để cứu đồng Yên khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, việc chính phủ Nhật Bản mua đồng Yên, bán đồng USD đã có “hiệu quả nhất định” và là lời cảnh báo đối với những nhà đầu cơ đứng phía sau đồng tiền này.
Sau động thái can thiệp của chính phủ Nhật Bản vào cuối tháng 9, đồng USD đã giảm khoảng 5 Yên trong một khoảng thời gian ngắn. Đồng USD sau đó đã phục hồi trở lại và giao dịch trên mức 145 Yên/USD ngày 7/10.
Đồng Yên rẻ hơn được coi là một lợi ích cho các nhà xuất khẩu vì nó tăng lợi nhuận ở nước ngoài, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí nhập khẩu. Đây là một vấn đề đau đầu đối với một quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản giữa lúc chi phí nguyên, nhiên liệu tăng cao do cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Cuộc chiến toàn cầu
Thời gian qua, đồng USD đã tăng kỷ lục so với nhiều loại tiền tệ khác do chính sách thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang, làm rúng động thị trường tài chính. Lạm phát toàn cầu gia tăng, nguyên nhân phía sau hành động của Fed, đã làm giảm giá trị của trái phiếu trên toàn thế giới.
Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy dự trữ ngoại hối ở các nền kinh tế châu Á khác cũng đang giảm xuống.
Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc cũng vừa chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008, khi các nhà chức trách nước này vào cuộc để chống lại sự sụt giảm của đồng Won.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và Indonesia cũng sụt giảm trong tháng 9.
Dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD, tương đương 7,8% trong năm nay xuống còn 12 nghìn tỷ USD.
Việc dự trữ ngày càng cạn kiệt cũng phản ánh sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ, khiến các ngân hàng trung ương phải ráo riết hành động để cứu đồng tiền trong nước.
Nguyễn Tuyết (Theo Asia Financial, Mainichi, Reuters, Bloomberg)