Phát biểu tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước sáng nay (7/1), Cục trưởng cục Phát hành và Kho quỹ - NHNN, ông Phạm Bảo Lâm cho hay, năm 2018, lượng tiền dự trữ tăng khoảng 25%, tiền mệnh giá nhỏ tăng 12% so với năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ, từ 10.000 đồng trở xuống cho tới hết tháng 11, gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in.
“Việc điều hòa tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước là điều hòa cả năm chứ không chỉ riêng vào tháng 12 và tháng Giêng nhằm đảm bảo dự trữ tiền mặt cho tất cả các chi nhánh tỉnh thành phố, kho tiền Trung ương đáp ứng đủ yêu cầu của nền kinh tế”, ông Lâm thông tin.
Do đó từ tháng 4 tới hết tháng 11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ, từ 10.000 đồng trở xuống, gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in.
“Tỷ lệ tăng 12% đảm bảo nhu cầu của các tổ chức và cá nhân trong 2018 cũng như tháng Giêng năm 2019. Đối với tiền mới in, mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống tính đến hết tháng 11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường rất tích cực; còn từ tháng 11 trở đi, nhất là cuối tháng 11 thì những tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 trở xuống, tiền đã qua lưu thông vẫn cung ứng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, các tổ chức và cá nhân”, ông Lâm cho biết thêm.
Cũng theo Cục trưởng cục Phát hành và Kho quỹ, với kết quả thực hiện chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong tháng 12 cũng như tháng Giêng, dự kiến trong năm 2019 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 390 tỷ đồng. Nếu tính ổng số đã thực hiện từ năm 2013 tới nay, tức đây là năm thứ 6 thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước nhờ không in tiền mới mệnh giá nhỏ là khoảng 2.590 tỷ đồng.
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ, linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây.
Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.
Đối với công tác xử lý nợ xấu, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ năm 2019, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Đổi tiền lẻ không đúng quy định sẽ bị phạt
Thủ tướng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đồng thời kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Hiện còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhu cầu đổi tiền lẻ đang rất lớn để lì xì, mừng tuổi đầu năm. Các loại tiền mệnh giá như 10.000 đồng, 20.000 đồng đến 100.000 đồng được đổi nhiều hơn vì phục vụ số đông người mừng tuổi, trong khi đó các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 1.000 đồng, 2.000 đồng hay 5.000 đồng chủ yếu đi lễ chùa và công đức cũng được săn lùng.
Tại thị trường chợ đen, tùy theo từng thời điểm và từng năm, các loại tiền được quy đổi từ theo mức phí từ 10% đến 20%, 30%... tùy theo mệnh giá.
H.Y (tổng hợp)