"Người chơi bồ câu đua có một hạnh phúc kỳ lạ là được chờ đợi chim bay về đúng nhà (đích) mà không cần biết nó có về đầu tiên hay không. Cảm giác đó hệt như đón nhận người con đi xa trở về”, anh Vỹ - người được anh em trong nhóm tin tưởng và công nhận là hội trưởng của Hội bồ câu thuộc Chi hội chim cảnh Cầu Tre, quận Tân Phú, TPHCM đã chia sẻ với tôi như thế.
Một số thành viên của một câu lạc bộ đua chim bồ câu tại TP.HCM.
Rèn luyện lòng kiên nhẫn
Quá trình đào tạo từ một chú chim non đến một chiến binh là cả một kỳ công, phải gắn bó với nó từ lúc còn trong trứng. Việc chọn giống rất kĩ lưỡng, dân chơi bồ câu đua thường chọn giống chim xuất xứ từ nước ngoài.
Hiện nay, nhập chim bồ câu giống từ nước ngoài về gặp rất nhiều khó khăn. Người chơi chim đua may mắn lắm mới mua được những chú chim đua của nước ngoài bay lạc sang Việt Nam hoặc bị bẫy. Nhiều người không chơi chim không biết giống chim quí nên đem bán ăn thịt, nên khi vô tình chộp được một chiến binh ở chợ các anh rất đỗi vui mừng.
Việc huấn luyện chim bắt đầu từ tháng đầu tiên sau khi chào đời. Ở thời điểm đó, chim bắt đầu biết bay và học cách đảo vòng, xác định chỗ ở. Các anh huấn luyện chim bằng cách lấy chim lớn dẫn chim nhỏ, tốt nhất là bắt chim bố mẹ hướng dẫn cho chim con.
Khi chim biết bay, các anh mang chim non cùng chim bố mẹ đi xa nhà khoảng 500m rồi thả ra. Chim bố mẹ sẽ hướng dẫn cách xác định phương hướng cho chim con. Từ từ, khoảng cách được nới rộng ra, ngày một xa hơn.
Sau đó, người nuôi tách chim ra cho bay đơn lẻ. Lúc này, chim đã quen với cách huấn luyện đó và đã trưởng thành hơn, bắt đầu cho chim ra khỏi Sài Gòn và thả về, gần thì cho bay từ Vũng Tàu, Xuân Lộc, xa thì cho bay từ Quảng Ngãi, Bình Định. Chim được luyện bay thường xuyên sẽ rắn chắc và có sức bền hơn.
Đôi lúc, chủ nuôi quá bận rộn phải thuê nài (người phụ trách trông coi, huấn luyện quá trình thả chim ở xa). Thường thì nài là người đưa chim đến địa điểm thả còn chủ nuôi ở nhà chờ chim về.
Anh Vỹ chia sẻ: “Đứng đợi chim về rất hồi hộp và lo lắng, mình không biết nó có về đúng nhà hay không, có bị bắt dọc đường, có bị thiên địch (chim cắt, diều hâu..) tấn công hay không, thường thì tôi thả 22 con khi về chỉ còn 11 con, mất đi một nửa, xót lắm nhưng để huấn luyện ra một con chim giỏi, hay thì phải đầu tư thôi. Cũng có những chú chim bay về tới nhà rồi kiệt sức mà chết, không ít lần khiến những ông chủ trải đời trong giới chúng tôi phải rơi nước mắt”.
Mỗi con chim đua đều được mang kiềng từ lúc 6-7 ngày tuổi. Hiện nay, Hội đã thống nhất một loại kiềng VNPC (Việt Nam Pigeon club) cho chim đua, để quản lí và thống kê số lượng chim. Với sự giúp đỡ lẫn nhau, hội ngày một phát triển, trong đó có những cá nhân đóng góp rất nhiều để cải thiện cơ sở vật chất, phục vụ cho những cuộc đua chim ngày một khách quan và trong sáng hơn.
Hồi hộp dõi theo đường đua hòa bình
Đua chim bồ câu trong nhóm anh Vỹ không mang màu sắc thương mại hay ganh đua quyết liệt. Đó là những cuộc chơi công bằng và mang tính chất xây dựng để việc đua chim từ phong trào ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Anh Vỹ kể lại chuyện đua chim trước đây của những người chơi chim ở chợ bồ câu trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 6 mà còn có chút e dè.
Chợ bồ câu trên tuyến đường này chỉ là tự phát nhưng chuyện mua bán chim đua ở đây rất phát đạt. Người ta bán chim rồi thách đấu đua với nhau mỗi ngày. Đó chủ yếu là những chặng đua ngắn mang nhiều điểm tiêu cực như cá độc, đặt cược với số tiền khá lớn, đua không theo bài bản nên nảy sinh nhiều mâu thuẫn, song song với việc đua chim là kèm với đua xe.
Chuyện nghe chẳng liên quan nhưng thực tế rất logic, anh Vỹ nói: "Ngày trước đua chim đâu được trang bị kĩ như bây giờ nên khi chim mà bay về tới nhà thì lại phải chạy xe mang ra chợ để được công nhận là đã về đích. Ai chạy nhanh hơn thì thắng nên mới đua xe bạt mạng, rất nguy hiểm".
Thấy được sự nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp của các nhóm chơi khác, Hội cố gắng đầu tư để mỗi cuộc đua là một cuộc chơi thú vị và trong sáng. Mỗi cuộc đua trong Hội được đầu tư kĩ lưỡng và chuẩn bị từ rất sớm.
Trước ngày đua, chim được tập trung lại, ban tổ chức đeo tem mật vào chân. Chim được cho vào chung một thùng rồi đem đến địa điểm thi. Người chịu trách nhiệm thả chim thuộc ban tổ chức. Khi chim được thả đi là những giờ phút hồi hộp, lo lắng, trông ngóng của người nuôi chim.
Những nỗi sợ hãi lo lắng vì những nguy hiểm tiềm ẩn như chim sẽ bị thiên địch tấn công, bị con người bẫy, bị kiệt sức lấp đầy khoảng thời gian chờ đợi của họ.
Anh Cường, người trong Hội bồ câu chia sẻ: "Người thả có niềm vui của người thả, người chờ đợi có niềm vui của người đợi. Thả chim ra thấy chim đảo mình lượn tới lượn lui cuối cùng cũng xác định được đúng hướng, lòng mừng khôn xiết, rồi hi vọng nó bay về đúng nhà và đừng gặp nguy hiểm. Người ở nhà mang nặng cảm giác trông ngóng, chim bay về tới vẫn khỏe mạnh thì lòng thấy nhẹ tênh."
Khi chim về đến nhà, chủ nuôi bồ câu lấy tem mật cào ra nhắn mã số chim về cho ban tổ chức. Mỗi cuộc đua có giải thưởng và cúp rất chuyên nghiệp. Có nhiều chuyện rất hài hước từ những cuộc đua chim bồ câu, nhiều chú chim về tới nhưng cứ đậu mãi trên cây trước nhà không chịu xuống. Vì thế, người nuôi không lấy được tem, đứng nhìn chim mà cười ra nước mắt. Dẫu sao, đó cũng là thú vui khiến người nuôi bồ câu đua mê mẩn.
Chim nào đoạt chức vô địch được đem ra đấu giá. Tùy thời điểm và tầm cỡ cuộc thi, chim được trả giá cao hay thấp. Có thời điểm, chim vô địch được trả giá đến 31 triệu đồng, mang lại sự hãnh diện cho người nuôi. Chơi chim nhưng Hội cũng không quên tham gia phòng dịch.
Mỗi đợt cúm gia cầm tái phát, Hội tự giác phun xịt thuốc, tiêm chủng cho chim. Tuy nhiên, đến giờ, giới chơi chim bồ câu chưa gặp trường hợp chim bị cúm H5N1 nên cũng rất yên tâm. Mình cũng là con người, mình là người gần gũi bồ câu nhất nên khi phát bệnh thì cũng nguy hiểm cho mình cũng như những người khác.
Chơi thì chơi nhưng cũng phải nghĩ cho lợi ích chung của cộng đồng, đừng để phiền hà ai. Đó là tiêu chí chung mà Hội đưa ra để đảm bảo cho thú chơi được bền vững. Hội đang hướng tới đưa chim ra vùng ngoại thành nuôi tập trung vừa dễ chăm sóc mà đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng.
Mặc dù, Hội vẫn chưa vào guồng chuyên nghiệp, cũng mới chỉ là nhóm chơi vì yêu thích nhưng mọi người vẫn đặt mục tiêu có được cuộc đua chim bồ câu từ Hà Nội về. Đó là một bước khẳng định tên tuổi, đặt một mốc mới cho thú chơi bồ câu đua trên đường hội nhập vào những cuộc chơi chính qui, chuyên nghiệp.
Kỳ thú câu chuyện "chiến binh đường đua hòa bình"... bị lạc Mỗi lần đua đường dài, thời gian được tính bằng ngày, những chiến binh có kinh nghiệm bay qua đêm có lợi thế hơn hẳn những chim quen bay về trong ngày. Những lần đua đường dài là những lần người trong Hội mất đi những người bạn chim câu thân thiết nhiều nhất. Nhiều chim bay lạc đi khá xa, có lần bồ câu của anh Vỹ bay lạc tận đảo Thổ Chu, có anh bộ đội bắt được, thấy được số điện thoại anh ghi ở chân chim liền gọi về. Biết vậy, anh đỡ lo và vui mừng tặng anh bộ đội, nhờ mấy anh bộ đội chăm sóc để mấy anh vui và cũng vì chẳng biết làm sao đến đó đón chim về. Lần khác, bồ câu của người trong Hội lạc tận ngoài giàn khoan ở biển Đông, ngư dân bắt được cũng gọi về, chủ chim cảm ơn rối rít, nhanh chóng đón xe ra tới Vũng Tàu mang về. |
Ngọc Lài