Làm sao để chính sách đặc thù thực sự là đặc thù?
Chiều 7/1, tham gia ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết đối với một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đặt vấn đề việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thì một số địa phương khác như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, đế nay có số liệu hay báo cáo về việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù dạng thí điểm.
“Với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm và thành phố Cần Thơ tới đây thực hiện thí điểm nữa chiếm tới 12,6% tổng số địa phương trong cả nước và về tỷ trọng đóng góp trong GDP thì chắc chắn sẽ rất lớn nhưng không biết khi nào những chính sách đặc thù này sẽ được áp dụng cho các địa phương khác cũng như theo hướng tương thích với những đặc điểm riêng có và tạo cơ sở phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, nguồn lực con người của từng địa phương. Chính phủ có dự liệu một lộ trình nào đó hay không?”, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ lo lắng.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng cho Cần Thơ, đại biểu này cho rằng nên đưa vào nghị quyết nội dung sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nối Cần Thơ với Tp. Hồ Chí Minh và hệ thống đường sắt quốc gia, hình thành đồng bộ mạng lưới vận tải hàng hóa, hành khách thủy, bộ, hàng không và đường sắt cho đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với các hình thức vận tải đa phương thức, đảm bảo vận chuyển khối lượng lớn với giá thành hợp lý, kết nối với hệ thống vận tải liên vận quốc tế.
“Trong những ngày vừa qua việc ách tắc thông quan nông sản hàng hóa ở một số cửa khẩu phía Bắc là một ví dụ điển hình của việc còn thiếu các phương thức vận tải thay thế, bên cạnh những khiếm khuyết về hạ tầng như kho mát, kho lạnh, bãi chứa và phương thức buôn bán, giao nhận tiểu ngạch biên mậu”, đại biểu Tạ Thị Yên giải thích.
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng cho rằng trước khi chúng ta khởi công tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội, Chính phủ cần cân nhắc sớm xây dựng tuyến đường sắt tiên tiến này.
Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Cần Thơ để thể chế hóa Nghị quyết 59 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Tp. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm tạo điều kiện cho địa phương này phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình.
Đánh giá ĐBSCL nói chung và Tp. Cần Thơ nói riêng đã chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng để Cần Thơ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, nguồn lực trong cải tạo, nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế thì nguồn lực đầu tư của thành phố Cần Thơ phải bảo đảm tương quan với các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã áp dụng tại 4 thành phố trực thuộc trung ương khác để thành phố thể hiện vai trò trung tâm của vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng.
Về HĐND Tp. Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hecta theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đánh giá là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định tuy nhiên nhấn mạnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát và lãng phí.
Đối với cơ chế đặc thù đầu tư công trình, dự án luồng hàng hải Định An sông Hậu nối từ Định An, Trà Vinh qua Đại Ngãi, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên đến Châu Đốc, An Giang có chiều dài toàn tuyến là 234,7km, đại biểu này cho rằng chính sách đặc thù cần tính toán, áp dụng đầu tư cho cả tuyến, cả vùng chứ không riêng gì thành phố Cần Thơ, vì nếu không sẽ gây lãng phí lớn.
“Đây là dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu do Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư thông luồng từ những năm 2017. Tuy nhiên, thực tế tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới đây gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải, năng lực vận tải biển bị hạn chế so với tiềm năng. Đa phần hàng hóa ở Tây Nam Bộ xuất khẩu, nhập khẩu qua các cảng ở Đông Nam Bộ như Sài Gòn, Thị Vải, Cải Mép, nguyên nhân chính là do luồng Định An và luồng Quan Chánh Bố tỷ lệ bồi lấp rất lớn, tỷ lệ bùn trong cát khai thác tại luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là tương đối cao, đây là dự án nạo vét liên quan đến nhiều địa phương”, đại biểu Nguyễn Tạo giải thích
Đặc biệt ông cũng cho rằng việc đề xuất đầu tư xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ với ưu đãi đặc thù vượt trội là cần thiết, là cấp bách, để tận dụng các cơ hội về cắt giảm thuế của các thị trường trong Hiệp định Thương mại CPTPP và EVFTA, tăng cường tính kết nối, tính đồng bộ, gắn kết với các trung tâm logistics theo quy hoạch để phát triển bền vững kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đề xuất chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đối với Cần Thơ
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Cần Thơ.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Trần Duy Đồng cho biết việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại nghị quyết số 59, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Tp. Cần Thơ nhanh và bền vững.
Theo đó, Chính phủ đề xuất một số cơ chế về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước như Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh phí, lệ phí theo quy định để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác…
Mặt khác, Chính phủ đề xuất HĐND Tp. Cần Thơ được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định.
Ngoài ra, HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Chính phủ cũng đề xuất các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư.
Ngoài ra còn có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư. Các trường hợp này còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ được ưu đãi về thủ tục hải quan; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo.