Dưa hấu rớt giá, khó tiêu thụ
Dưa hấu là một trong những cây trồng chủ lực của nhiều địa phương tại Quảng Bình nhiều năm qua. Trong đó, huyện Bố Trạch là một trong những địa phương có diện tích dưa hấu lớn vì vùng đất này phù hợp cho việc trồng dưa để tăng thu nhập.
Vụ dưa hấu năm nay, nhiều hộ dân tại Thị trấn Nông trường Việt Trung đã đầu tư hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, sau 4 tháng trồng và chăm sóc, vườn dưa vào vụ thu hoạch dưa hấu bán ra với giá thấp, khó tiêu thụ khiến họ lâm vào cảnh khó khăn.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, ông Lê Văn Nam (54 tuổi, Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) cho biết, năm nay chi phí để trồng dưa rất đắt đỏ, nhưng tới khi thu hoạch giá thị trường lại quá thấp.
"Tính tất cả toàn bộ chi phí để có thể trồng được 1 ha dưa hấu thì nông dân chúng tôi phải chi ra từ 90 - 130 triệu đồng. Mỗi ha như vậy có thể thu được 20 - 25 tấn, nhưng giờ giá dưa bán ra chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, nên tôi lo năm nay lỗ nặng", ông Nam buồn rầu nói.
Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Bảy (ở Thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) tâm sự với báo Lao Động: “Để đầu tư cho vụ dưa hấu năm nay, gia đình đã thuê 2ha đất, cùng với đó là việc đầu tư tiền giống, phân bón và chi phí nhân công, hết 200 triệu đồng. Nhưng sau 4 tháng trồng và chăm sóc, vườn dưa chỉ thu hoạch được 36 tấn. Với giá bán 4.000 đồng/kg, lỗ gần 60 triệu đồng.
Thời xưa đất thuê rất rẻ, 10 triệu là nhiều lắm rồi, nhưng hiện tại thuê đến 28 triệu, có chỗ là 30 triệu. Nếu 30 triệu đó mà mình làm đạt sản lượng, được giá thì có để trang trải, còn mất mùa là trắng tay. Đầu tư mà thời tiết không thuận lợi, giá thấp thì chúng tôi chắc chắn sẽ lỗ”.
Theo thống kê, toàn huyện Bố Trạch trồng trên 700ha dưa hấu. Tuy nhiên, vào thời điểm thụ phấn, mưa nắng thất thường khiến tỉ lệ đậu quả thấp chỉ đạt từ 15-20 tấn/ha. Trong khi đó, giá cả thương lái thu mua thấp, dao động từ 3.800 đồng đến hơn 4.000 đồng/kg, bằng khoảng 60% so với năm trước. Theo nhiều nông dân, năm nay rớt giá do vụ dưa hấu ở Quảng Bình "trùng" với vụ dưa tại một số tỉnh thành khác, bên cạnh đó còn có thêm các yếu tố tác động về xuất khẩu.
Anh Nguyễn Mẫn, thương lái thường xuyên thu mua dưa hấu khu vực Thị trấn Nông trường Việt Trung cho hay: “Đầu vụ giá còn cao nhưng so với các năm thì năm nay giá dưa hấu thấp hơn nhiều, do năm nay dưa hấu ở đây không được năng suất như mọi năm. Hơn nữa thời điểm này, việc xuất dưa hấu đi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn cũng khiến giá thu mua không thể cao được”.
Tháo gỡ khó khăn cho nông dân
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người trồng dưa, huyện Bố Trạch đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tìm đầu ra cho dưa hấu nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho người dân; quy hoạch vùng trồng dưa hấu phù hợp để bảo đảm hài hòa giữa cung và cầu; đồng thời định hướng cho người dân trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGap nhằm hướng tới thị trường tiêu thụ nội địa.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Năm nay, dưa hấu người dân trồng trên địa bàn có nâng suất thấp, do việc trồng dưa hấu chưa có quy hoạch cụ thể, còn mang tính trồng theo đại trà chưa đồng bộ. Do vậy, giá cả cũng bị giảm đi nhiều.
Để hỗ trợ cho bà con tháo gỡ khó khăn, huyện đã tích cực liên hệ phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tìm đầu ra cho dưa hấu. Những năm tiếp theo sẽ có hướng dẫn quy hoạch trồng dưa vùng đất phù hợp để đạt năng xuất cao hơn. Định hướng cho người dân trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGap nhằm hướng tới thị trường tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó khuyến cáo bà con hạn chế việc dùng các loại thuốc diệt mối, chỉ sử dụng những loại phù hợp để dưa có chất lượng và năng suất cao hơn”.
Trao đổi với báo Nhân Dân, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết, so với các địa phương khác, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đầu tư hạ tầng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở đây khá chậm và gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, thiên tai. Bên cạnh đó, cái khó của phương pháp canh tác hữu cơ chính là ở năng suất, sản lượng và hiệu quả chưa cạnh tranh được với sản phẩm phi hữu cơ.
Tuy vậy, bằng sự mạnh dạn chuyển đổi phương cách sản xuất, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong tỉnh đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để thực hiện các mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng nông nghiệp hữu cơ. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Ðình Hiệp, thành công của những mô hình này là tiền đề để người dân trong tỉnh học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới.
Ðể sản xuất nông nghiệp hữu cơ thật sự phát triển và khẳng định được chỗ đứng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tỉnh Quảng Bình cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị đối với các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ, cùng với đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Ngành nông nghiệp Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Minh Hoa (t/h)