Việc xây dựng Đề án đưa lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ThS.Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội, một đơn vị đã có nhiều năm tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp không chỉ trong nước mà còn cả ở các thị trường nước ngoài.
Ông đánh giá ra sao về chủ trương của bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ đưa người lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, đối tượng hướng tới là 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp?
Chủ trương lao động có trình độ cao đi xuất khẩu, mà đối tượng hướng tới là cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp, số liệu đến thời điểm này, theo con số mà tôi nắm được là khoảng 200.000. Đối với lĩnh vực này, đối tượng này, tôi khẳng định luôn là bằng cấp của hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là hệ đại học chưa có thông tin nào cho thấy các nước phát triển khác kiểm định, công nhận chương trình đào tạo và bằng cấp của ta.
Ở nước ngoài, họ làm việc theo dây chuyền, phân đoạn modul, người học có trình độ đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ đi nữa ở Việt Nam nhưng đó chỉ là nghiên cứu hàn lâm nhiều hơn. Chủ trương của Bộ là như vậy nhưng tôi tin sang các nước thì họ sẽ vẫn phải đào tạo bổ sung cho phù hợp dây chuyền, công nghệ của nước sở tại.
Hai nước có hai chương trình đào tạo khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Chúng ta đào tạo cho nền kinh tế, chính trị xã hội Việt Nam, giờ đưa lao động sang một nước có nền văn hóa, trình độ công nghệ khác, rõ ràng người lao động phải nỗ lực mới có thể hòa nhập.
Theo tìm hiểu của PV, trường CĐ Nghề cơ điện Hà Nội cũng đang có các chương trình hợp tác, xuất khẩu lao động ở một số thị trường như Hàn Quốc, Đức. Vậy theo ông, cái chúng ta cần làm là gì để lao động VN có thể nhanh chóng thích ứng?
Cơ sở đào tạo của trường là thiên về đào tạo nghề, kỹ năng. Đúng là chúng tôi đang tập trung vào thị trường Hàn Quốc, Đức.
Với thị trường Hàn Quốc, Chính phủ nước này có chủ trương thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam có qua đào tạo ở một số nghề như điện, cơ khí, hàn, công nghệ ô tô. Thậm chí, Chính phủ Hàn Quốc còn cấp visa tới hạng E7 (cho cả vợ con, người thân sang sinh sống cùng) cho người lao động.
Đối với các thị trường Hàn Quốc, Đức mà chúng tôi hướng tới cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường, chúng tôi có tham khảo chương trình đào tạo của họ. Nhưng khó có thể áp dụng được vì trình độ giảng viên của chúng ta, phương tiện máy móc khó có thể đáp ứng.
Chúng tôi thấy có thể học hỏi được, việc đầu tiên là phải giúp cho sinh viên thấm nhuần được văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng làm việc, làm sao thể hiện được người Việt Nam công nghiệp và chuyên nghiệp. Tiếp đó là đào tạo kỹ năng nền thật tốt để sang đó, lao động Việt Nam chỉ cần một thời gian ngắn là có thể làm việc tốt.
Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu đưa lao động cử nhân đi xuất khẩu lao động, chúng ta có giải quyết được “bài toán” cử nhân thất nghiệp cao hiện nay?
Đúng. Đây có thể là giải pháp cho vấn đề quá nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp hiện nay. Đặc biệt, hàng năm, chúng ta nhận được một số lượng lớn ngoại tệ từ nước ngoài gửi về. Tôi nghĩ sự đóng góp của người lao động đi xuất khẩu là không nhỏ. Họ cũng góp phần cho nhiều vùng nông thôn “thay da đổi thịt”.
Nhưng việc đưa lao động được đánh giá là trình độ cao của chúng ta đi xuất khẩu lao động, tôi thấy buồn hơn là vui. Nói thẳng ra nếu tất cả các cơ sở đào tạo chỉ thiên về “mớ lý thuyết” cho sinh viên, không tính toán đến việc họ ra làm gì, làm ở đâu, làm thế nào để họ tồn tại được, khởi nghiệp làm giàu được thì chương trình đào tạo còn xa vời và còn thất nghiệp nữa!”.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm