Gia đình anh Hồ Ngọc Lương, trú xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có 2,5ha dứa đang vào mùa thu hoạch. Nếu tính giá như đầu vụ năm trước thì anh Lương sẽ có lãi lớn, nhưng năm nay anh đã thu hoạch được gần một nửa diện tích mà mới bán được có vài chục triệu đồng.
“Giá hiện tại các thương lái thu mua dứa loại 1 chưa đến 3.000 đồng/1kg, giảm 2.500 đồng/1kg so với đầu vụ năm trước. Năm ngoái, trừ chi phí, gia đình còn lãi được hơn 100 triệu đồng. Năm nay thì coi như phải chấp nhận lỗ nặng với giá dứa bán cho thương lái bây giờ”, anh Lương thở dài.
Không chỉ riêng gia đình anh Lương, rất nhiều người trồng dứa tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng đang lo lắng vì giá xuống quá thấp. Để đầu tư cho 1ha dứa, người dân phải bỏ ra từ 60 đến 80 triệu đồng và sau 18 tháng mới có thu hoạch.
Các năm trước, đầu vụ thu hoạch dứa có giá cao, nhiều hộ dân có lãi rất lớn nhưng năm nay dứa chưa vào chính vụ thu hoạch mà lại rớt giá thảm, khiến nhiều hộ rơi vào tình cảnh lỗ vốn.
Quỳnh Lưu là huyện có diện tích dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An với hơn 1.000ha, trong đó nhiều nhất là xã Tân Thắng có khoảng 900ha với hàng trăm hộ trồng khoảng 4 năm qua.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho biết, tại thời điểm này, tuy dứa giá rẻ nhưng khó bán. Ngoài nhập cho thương lái, nhiều người dân phải mang dứa ra chợ hay xuống đường bán cho khách qua đường.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá dứa thấp. Trong đó, trên địa bàn có nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu Nghệ An nhưng không tập trung vào cây dứa mà chủ yếu làm các sản phẩm từ chanh leo. Vì vậy, người dân chỉ trông chờ các thương lái từ nơi khác về mua đi phân phối cho các nhà máy dứa các tỉnh ngoài phía Bắc
“Năm ngoái được giá nên người dân ồ ạt trồng dứa, phá vỡ quy hoạch vùng trồng của địa phương. Diện tích và sản lượng vượt lên quá nhiều nên rất khó khăn cho đầu ra”, ông Dũng nói.
Ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cũng cho hay, hiện chưa có doanh nghiệp hay nhà máy chế biến nào liên kết với người dân để làm đầu ra. Vì vậy sản phẩm chủ yếu được thương lái tứ xứ đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh theo dạng tự do.
Năm nay diện tích dứa ở Thanh Hóa và các tỉnh khác cũng tăng và được mùa nên giá dứa ở huyện bị rớt. Thế nên, tình trạng thương lái ép khiến giá dứa giảm sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của người trồng dứa. Giá dứa có thể lên xuống thất thường tùy vào các thương lái.
“Giải pháp trước mắt của chính quyền là tìm các mối để quảng bá dứa của địa bàn. Còn về lâu dài, với đặc thù cây dứa có thể điều chỉnh được thời gian ra quả nên sẽ tuyên truyền để người dân trồng dàn trải các tháng trong năm, thay vì chọn một vài vụ chính như hiện nay”, ông Năm nói.