Khó khăn chồng chất khó khăn
Chị Nông Thị Thắm, SN 1978, trú tại xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Đầu tháng 3/2011, chị được hội Phụ nữ xã cử đi nghe tư vấn, phổ biến các thủ tục, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động.
Một nam thanh niên giới thiệu tên Tân, đại diện cho Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại Viet Com (Cty Viet Com) đến liên hệ, làm việc với chính quyền xã và những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động như chị. Đại diện Cty Viet Com đã đưa ra những cam kết bảo đảm quyền lợi của người lao động khiến cho người dân tin tưởng, lựa chọn.
Khi nhận được đơn, xét thấy gia đình chị Thắm có nhiều khó khăn (nuôi mẹ già ốm đau quanh năm và hai con nhỏ đang ăn học) nên chính quyền, hội Phụ nữ xã đã đồng ý cho chị Thắm được ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Síp với thời hạn 4 năm do ông Lê Văn Quyền, chức vụ Tổng giám đốc Cty Viet Com ký. Đến cuối tháng 3/2011, chị Thắm được đưa xuống Hà Nội học ngoại ngữ và làm các thủ tục cần thiết.
Giấy xác nhận tuyển dụng liệt kê số tiền gửi NH NN&PTNT xem xét, cho người lao động vay vốn của Cty Viet Com
Sau khi làm xong hộ chiếu, khám sức khỏe và học ngoại ngữ, chị Thắm tiếp tục được Cty Viet Com ký giấy xác nhận tuyển dụng lao động để làm cơ sở về quê vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn với tổng số tiền mà phía Viet Com liệt kê là 117.900.000 đồng, nhưng thực tế để vay được số tiền trên gia đình chị Thắm phải vay mượn, chi phí thêm lên đến 150 triệu đồng.
Sang Síp làm việc được một thời gian, ngày 23/8/2012, chị Thắm được chủ sử dụng lao động thông báo chuẩn bị hành lý, rồi ép lên xe ôtô, đưa ra sân bay trở về Việt Nam.
Khi tới sân bay do không mua được vé, chị Thắm bị chủ sử dụng lao động đưa vào đồn cảnh sát và tại đây chị Thắm đã bị cảnh sát giam giữ 15 ngày. Thắc mắc việc bị giam giữ, chị Thắm được trả lời: "Mày sang Síp bằng visa du lịch chứ không phải là visa lao động, giờ đã quá 3 tháng rồi (?)".
Chị Thắm bức xúc kể: "Tôi sang Cộng hòa Síp vào ngày 19/10/2011 và ngày 20/11 đã bắt đầu làm việc cho một trang trại tư nhân. Công việc chính là trồng cây, chăm sóc và thu hoạch các loại nông sản như cà chua, khoai tây, dưa chuột với mức lương trong hợp đồng đã ký là 425 Euro/tháng nhưng thực tế, tôi chỉ được trả có 380 Euro/tháng. Thời gian làm việc ghi là ngày lao động 7 tiếng nhưng mỗi ngày tôi phải làm việc tới 12 tiếng đồng hồ.
Tuy làm việc vất vả tiền không đúng như hợp đồng đã ký nhưng tôi vẫn chấp nhận làm với mong muốn được chủ hài lòng và có tiền gửi về cho gia đình trả nợ. Không ngờ người ta lừa tôi để đẩy về nước một cách dở dang như vậy".
Vô trách nhiệm với người lao động
Chị Nông Thị Thắm cho biết thêm: "Hơn 10 tháng làm việc tại Síp giữa tôi và chủ sử dụng lao động chưa hề xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Tôi không vi phạm luật pháp, không vi phạm các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng với chủ ở Síp cũng như Cty Viet Com ở Việt Nam, thế nhưng, không hiểu sao tôi lại bị đuổi về nước trước thời hạn".
Về Việt Nam, chị Thắm đến Viet Com tìm gặp bà Đỗ Thị Phương Lan - Giám đốc chi nhánh, để hỏi rõ sự việc. Bà Lan trả lời: "Biết rồi không phải nói nữa, vì phải về nước sớm trước hợp đồng nên công ty thông cảm và sẽ hỗ trợ cho 7 triệu đồng, đồng ý thì ký nhận tiền để thanh lý hợp đồng?". Chị Thắm không đồng ý với cách giải quyết trên.
Hôm sau, chị Thắm tiếp tục đến Viet Com làm việc. Vẫn là bà Lan đại diện đã ra ngoài gọi điện một hồi lâu rồi cho biết: "Biết gia đình em khó khăn nên công ty sẽ hỗ trợ thêm 1 triệu đồng nữa là thành 8 triệu đồng, đồng ý thì em ký vào biên bản thanh lý hợp đồng rồi nhận tiền". Chị Thắm không nhận tiền thì đại diện Viet Com thách thức: "Muốn đi đâu kiện thì đi".
PV Người đưa tin đã trao đổi trực tiếp với ông Lê Văn Quyền, Tổng giám đốc Viet Com, người trực tiếp ký hợp đồng lao động cho chị Thắm sang Cộng hòa Síp lao động, ông Quyền khẳng định: "Công ty chưa ký hợp đồng và không đưa lao động này đi Cộng hòa Síp làm việc?!".
Trước câu hỏi của PV: "Trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Cộng hòa Síp có đề cập đầy đủ các nội dung quyền và nghĩa vụ của bên A và bên B, thời gian làm việc ở nước ngoài, trách nhiệm thực hiện hợp đồng, gia hạn hợp đồng, giải quyết tranh chấp đã xác lập trách nhiệm của cả hai bên và do trực tiếp ông Quyền ký với chị Nông Thị Thắm, vậy tại sao ông nói chưa ký và đưa lao động đi làm việc ở nươc ngoài?
Ông Quyền lý giải: "Đó chỉ là hợp đồng giúp người lao động vay vốn của ngân hàng và đây là quy định chung của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và xã hội". Vậy chị Thắm là người đi xuất khẩu lao động, sao lại làm visa đi du lịch? Có thực chất là Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định mẫu hợp đồng chung, ký giữa đơn vị đưa người đi lao động nước ngoài với người lao động có nội dung "râu ông nọ, cắm cằm bà kia không?".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc có dấu hiệu của đường dây lừa đảo lao động đi nước ngoài này.
Quỳnh Chi