Thay vì ngồi nhà lướt web, lướt facebook hay tiếp tục vùi đầu vào công việc, nhiều người hiện nay đã tìm tới các lớp học nghệ thuật để vừa trau dồi kiến thức, vừa để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Nhận biết nhu cầu này sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới, nhiều lớp học vẽ, học nhảy múa đương đại, học nhạc ... đã ra đời.
Một công đôi việc
Hiện nay song song với nhu cầu học nghệ thuật ngày càng tăng của trẻ em, những lớp học cảm thụ âm nhạc, dạy vẽ , dạy múa đương đại ... cho người lớn cũng bắt đầu nở rộ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những thông tin quảng cáo chiêu sinh của các trung tâm này trên mạng xã hội và những diễn đàn về nghệ thuật. Có thể điểm qua một vài trung tâm khá uy tín hiện nay dành cho những người học nghệ thuật không chuyên như: Pi Corner, Zest Art … (dạy vẽ), Học viện âm nhạc quốc gia, Trung tâm nghệ thuật Mr Thương… (dạy thanh nhạc, piano, guitar…), Blackbox … (dạy múa) ...
Tìm hiểu của phóng viên báo Người đưa tin được biết, hiện các trung tâm này đều liên tục đưa ra những gói khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút học viên. Chẳng hạn, khi tham gia vào một buổi vẽ tranh của trung tâm Pi Corner, học viên chỉ cần bỏ ra 320.000 đồng là sẽ được trang bị đồ nghề đầy đủ cùng đồ uống miễn phí. Không dừng lại ở đó, sau khi hoàn thiện tác phẩm, học viên có thể mang chúng về nhà như một “chiến lợi phẩm”.
Trong khi đó, trung tâm Blackbox tung ra một gói học múa trong 3 tháng chỉ với giá 2,1 triệu đồng cùng lời giới thiệu hấp dẫn: “Các bài tập ứng tác không chỉ mang đến cho bạn những giây phút hoàn toàn thư giãn tâm trí mà còn giúp bạn kích thích khả năng sáng tạo và kết nối mạnh mẽ với trực giác của mình”. Còn trung tâm Zest Art lại sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học viên, từ học vẽ, học điêu khắc, học trang trí đồ họa ... với giá cả phù hợp với từng bộ môn nghệ thuật và đối tượng người học khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên về mục đích tham gia khóa học nghệ thuật của mình, bạn Nguyễn Quốc Trung (học viên tại trung tâm Pi Corner) chia sẻ: “Do hồi nhỏ không có điều kiện tiếp cận với nghệ thuật nên từ lâu tôi rất muốn đi học thứ gì đó để mở mang sự hiểu biết. Sau khi đắn đo, tôi quyết định học vẽ để khám phá bản thân cũng như giải tỏa căng thẳng. Sau một thời gian theo học, giờ đây tôi đã bắt đầu biết cảm nhận một bức tranh và quan trọng hơn, tôi có thể tự vẽ được một tác phẩm cho riêng mình”.
Bạn Khánh Trang (học viên của Trung tâm nghệ thuật Mr Thương) thì tâm sự: “Tôi trước đây khá tự ti về giọng hát của mình nên mỗi lần cơ quan hay bạn bè tụ tập và rủ nhau đi hát karaoke tôi đều tránh né. Lâu dần tôi bị mang tiếng là người sống khép kín, không chịu hòa đồng với anh chị em nên từ niềm vui, với tôi nó đã chuyển thành áp lực. Vì thế tôi tìm tới trung tâm để học nhạc lý và học hát. Sau 2 tháng, tôi tự tin hơn rất nhiều và không phải né tránh đi hát karaoke như trước kia nữa. Áp lực vô hình cũng được cởi bỏ”.
Còn bạn Thái An (học viên của trung tâm Blackbox) tâm sự về ý nghĩa của việc học múa như sau: “Khi bạn thực sự mở lòng mình, đối diện với trái tim mình, cho phép những người lạ được bước vào căn phòng riêng bất khả xâm phạm một cách chân thành và tin cậy, bạn sẽ hiểu tất cả mọi ranh giới đều không có thật. Con người trở nên gần gũi, đồng cảm và yêu thương nhau hơn”.
Học viên chủ yếu là người đi làm
Một thực tế đang diễn ra hiện nay là số người tìm đến những trung tâm như thế này ngày càng nhiều. Họa sỹ Thùy Dung, quản lý trung tâm Pi Corner cho biết: “Cuộc sống hiện nay có quá nhiều áp lực khiến cho con người dễ bị stress. Vì thế chúng tôi mở lớp dạy vẽ giống như một liệu pháp trị liệu tâm lý. Hiện 80% học viên chỗ chúng tôi đều là những người đi làm. Họ làm nhiều nghề khác nhau như: bác sỹ, kế toán, nhân viên ngân hàng ... và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Họ đến đây trước nhất là để giải tỏa căng thẳng, sau là tìm hiểu những kiến thức cơ bản về hội họa. Khi chúng ta tự tay vẽ một bức tranh, nhìn ngắm và mang nó về nhà, đó là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Một giáo viên tại Trung tâm nghệ thuật Mr. Thương thì phân tích: “Con người luôn có khát khao thể hiện mình nhưng vì lý do nào đó mà họ giấu cái tôi đó đi. Lâu dần điều đó trở thành rào cản, trở thành áp lực để họ không dám thể hiện bản thân. Chúng tôi mở lớp dạy nhạc, dạy hát cho học viên trước hết để giúp họ giải phóng bản thân và khám phá chính con người mình. Đó mới là yếu tố cần có của con người hiện đại. Mấy năm qua số lượng người trưởng thành tìm đến học nghệ thuật ngày càng tăng ”.
Rõ ràng việc tìm đến nghệ thuật để giải tỏa stress không phải là cảm nhận. Báo The Huffington Post (Mỹ) dẫn lời ông Girija Kaimal, trợ lý giáo sư về các liệu pháp sáng tạo nghệ thuật tại Đại học Drexel (Mỹ) chỉ ra rằng, những hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, múa, hát, cắt dán, làm đồ thủ công… trong 45 phút có thể giúp con người giảm đáng kể stress bất kể bạn có năng khiếu nghệ thuật hay không.
|
Phạm Văn