Nhà nhà đào bới đất lên với niềm tin mãnh liệt, người nhà họ sẽ khỏi bệnh. Đáng nói hơn, toàn bộ những việc làm này được chỉ đạo qua…điện thoại từ một người không quen cách xa hơn ngàn cây số.
Thời gian qua, một số hộ dân sinh sống tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã đào bới nền nhà để tìm mộ theo sự hướng dẫn qua điện thoại của một người ở miền Nam. Một vài gia đình cho rằng, sau khi đào cất bốc mộ, người thân trong gia đình bị đau bệnh lâu năm đã đỡ dần. Sự việc trên đã và đang gây xôn xao dư luận xứ Thanh.
Bà Phạm Thị Lan trước ngôi mộ cải táng tại chỗ.
Hướng dẫn tìm mộ qua điện thoại?
Nhận được thông tin, chúng tôi đã về tận địa phương để xác minh thực hư sự việc trên. Tiếp xúc với vợ chồng ông Trần Văn Châu (56 tuổi) và bà Phạm Thị Lý (52 tuổi), trú tại xóm 7, xã Nga Liên, một trong những gia đình được người dân cho rằng đã đào tìm thấy 3 ngôi mộ ngay trong nhà. Chúng tôi được ông Châu cho biết: "Vào ngày 9/4 âm lịch Quý Tỵ 2013, có một người láng giềng đến thăm hỏi sức khỏe vợ tôi. Trong quá trình ngồi trò chuyện và hỏi han bệnh tình của vợ tôi, người láng giềng này cứ chăm chú bấm vào chiếc điện thoại di động đang cầm trên tay. Khoảng 30 phút sau, người láng giềng này gọi điện cho ai đó, rồi đưa điện thoại cho tôi và bảo nói chuyện đi. Tôi cầm lấy điện thoại của người láng giềng và bắt đầu nói chuyện với người đầu dây bên kia...".
Ông Châu kể lại: "Sau khi thăm hỏi nhau, người nói chuyện với tôi bắt đầu hỏi: Nhà chính của gia đình dài, rộng bao nhiêu mét? Tọa lạc theo hướng nào? Nghe vậy, tôi trả lời: Chiều dài là 11,7m, chiều rộng gần 6m. Tọa lạc theo hướng Đông - Nam. Khi tôi trả lời xong, người nói chuyện trong điện thoại với tôi bảo: Nhà chính của gia đình tôi sạch sẽ (nghĩa là không có mộ). Bây giờ chỉ tập trung vào căn nhà dưới (căn nhà gia đình ông Châu sử dụng một phần làm bếp, một phần làm chuồng chăn nuôi lợn -PV). Ngay lúc đó, tôi vừa nghe điện thoại, vừa đi xuống khu vực nhà bếp và chuồng lợn. Lúc này, người nói chuyện điện thoại với tôi tiếp tục hỏi: Khoảng cách từ đốc nhà dưới của gia đình tôi đến ranh giới nhà bên cạnh là bao nhiêu mét? Tôi trả lời: Khoảng chừng 7-8m. Người ấy lại hỏi: Lối đi từ nhà chính xuống nhà bếp và chuồng lợn rộng bao nhiêu mét? Tôi trả lời: Rộng 1,1m. Rồi người ấy hỏi tiếp: Nhà chăn nuôi dài, rộng bao nhiêu mét? Tôi trả lời: Chiều dài 7,5m, chiều rộng 4,2m. Nhà chia làm 3 ô chuồng lợn".
"Khi tôi trả lời xong những câu hỏi đó, người ấy bắt đầu hướng dẫn tôi đi thẳng vào gian giữa của căn nhà và bước sang phía bên phải 1m, rồi đánh dấu vào vị trí dưới chân, vì đó là ngôi mộ thứ nhất. Tôi làm xong, người ấy lại bảo tôi đi thẳng sang gian bên cạnh và bước sang phía bên phải 1m và đánh dấu vào vị trí dưới chân, vì đó là ngôi mộ thứ 2. Người ấy tiếp tục bảo tôi đi thẳng đến phía mép tường đốc và tiếp tục đánh dấu ngôi mộ thứ 3. Xong việc đánh dấu 3 ngôi mộ, người ấy bảo tôi lấy bút để ghi.
Lúc này, qua điện thoại, tôi nghe người ấy hỏi: Ông, bà tên gì? Sinh năm bao nhiêu? Thọ bao nhiêu tuổi? Người dân tộc nào? Bây giờ có nguyện vọng gì? Sau đó, người ấy bảo với tôi: Mộ thứ nhất là của bà Trần Thị Xuân, sinh năm 1805, thọ 75 tuổi. Mộ thứ hai là của ông Trần Văn Khá, sinh năm 1806, thọ 55 tuổi. Mộ thứ ba là của ông Trần Văn Đại, sinh năm 1807, thọ 45 tuổi. Cả ba cụ đều là người dân tộc thiểu số. Nguyện vọng của họ bây giờ là được cất bốc để đưa vào nghĩa địa cải táng. Cả ba mộ đều nằm thẳng hàng nhau, ở độ sâu 80cm, đầu hướng Đông, chân hướng Tây" - ông Châu khẳng định.
Ông Châu vừa tường thuật, vừa chỉ vị trí từng ngôi mộ.
Cất bốc mộ được... khỏi bệnh?!
Việc cất bốc mộ được ông Châu kể lại: "Trước khi tiến hành cất bốc ba mộ, gia đình tôi đã làm các thủ tục theo tín ngưỡng, rồi lập bàn thờ, bát hương và báo cáo với ông trưởng thôn Dương Công Văn. Ông Văn bảo khi đào mộ phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngày gia đình đào cất bốc mộ, có rất nhiều người tham gia. Trong suốt quá trình đào, tôi đều gọi điện cho người ấy để xin hướng dẫn. Khi đào đến độ sâu 80cm, tôi thấy có một lớp đất xốp, màu đen sẫm, khác hẳn với đất phía trên và phía dưới. Ở lớp đất xốp màu đen sẫm có hình hài của xương cốt. Riêng mộ bà Xuân ngoài hình hài của xương cốt thì còn có tóc. Sau khi cất bốc xong cả 3 mộ và đưa lên nghĩa địa cải táng, tôi tiếp tục gọi điện để hỏi người ấy. Qua điện thoại, tôi nghe người ấy hỏi: Gia đình ông Châu làm như vậy đã sạch sẽ chưa? Thế rồi, người ấy bảo lại với tôi: Vậy là tốt rồi".
Tuy việc tìm mộ được ông Châu kể lại rất tường tận, nhưng khi chúng tôi hỏi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của người láng giềng và người đã hướng dẫn tìm mộ, thì ông Châu không muốn tiết lộ.
Sau khi liệt kê một số bệnh tình của vợ, ông Châu khẳng định như "đinh đóng cột" với chúng tôi: "Từ khi tìm thấy mộ và cất bốc cho đến nay, sức khỏe của vợ tôi tốt lên, các bệnh tình đều đỡ dần. Tôi là người trực tiếp chăm sóc vợ, nên tôi biết rất rõ điều đó". Khi ông Châu khẳng định như thế, bà Lý ngồi bên cạnh chen ngang vào rằng: "Tôi thấy trong người khỏe hẳn lên, tinh thần tốt hơn. Đi khám lại ở các bệnh viện đều bảo: Các bệnh trong người tôi đã đỡ".
Cứ có bệnh là nhờ thầy tìm hài cốt
Hiện tượng tìm mộ theo sự hướng dẫn qua điện thoại như trường hợp gia đình ông Châu không chỉ diễn ra ở tại xa Nga Liên, mà nó còn lan sang cả xã Nga Thái kế bên. Việc đào tìm mộ được... khỏi bệnh không chỉ có gia đình ông Châu khẳng định, mà khi chúng tôi tìm đến gia đình bà Phạm Thị Lan (SN 1952), trú tại xóm 1, xã Nga Thái cũng được bà Lan khẳng định.
Bà Lan kể lại: "Bản thân tôi bị đau ốm, bệnh tật suốt 18 năm nay, chẳng làm gì được. Các bệnh viện mà tôi đến khám đều bảo tôi bị bệnh viêm phổi mãn tính và tim to. Thực sự trong 18 năm, bệnh tình cứ hành hạ tôi, mỗi ngày phải tiêm đến 12 mũi, tốn biết bao nhiêu là tiền bạc của gia đình. Người thân trong gia đình cứ phải đưa tôi đi cấp cứu suốt. Thế rồi, khi con trai tôi tên là Vũ Văn Lâm đi xây lăng mộ thuê cho một gia đình ở xã Nga Liên được người ta kể lại chuyện có một người trong miền Nam hướng dẫn tìm mộ để cất bốc. Nghe vậy, con tôi đã xin số điện thoại của người đó.
Đến ngày 28 tháng Giêng vừa rồi, con trai tôi gọi điện và đưa máy cho tôi gặp người đó. Khi tôi cầm máy nghe, người đó hỏi tên, tuổi xong, rồi bảo: Gia đình phải thay đổi bàn thờ. Ở nhà trên của gia đình thì không có mộ, còn ở nhà dưới có phần mộ của một người phụ nữ chết năm 1945 trôi dạt vào đó. Ngôi mộ nằm ở sát chân tường, tại vị trí gia đình đặt bếp ga. Khoảng 7h sáng là con tôi gọi điện thì đến 8h là đào luôn. Có 13 người tham gia vừa tháo dỡ nhà bếp, vừa đào tìm mộ trong 2 ngày. Đào hết phần đất màu đen xốp nhưng không thấy, nên con trai tôi tiếp tục gọi điện hỏi thì người đó bảo chính lớp đất màu đen mùn như bã cà phê là mộ. Thế rồi, người đó chỉ dẫn hãy lấp đất xuống lại, rồi đem thuốc bắc bịt vào hai mạch nước ở phía đầu và chân lại là không việc gì nữa. Gia đình tôi đã làm theo hướng dẫn, rồi xây lăng và thắp hương khói cho họ".
"Nói thật, một ngày trước khi đào mộ, tôi phải truyền dịch. Khi bắt đầu tiến hành đào, tôi bị sốt cao, trời nắng nóng như vậy mà tôi phải đắp chăn bông. Thế nhưng, khi xây lăng mộ xong, tôi thấy khỏe hẳn, không sốt nữa. Từ đó đến nay tôi thấy trong người không có bệnh tình gì nữa, nên không phải tiêm hay truyền dịch gì cả. Thật kỳ lạ!".
Vái tứ phương...! Nói đến lịch sử thửa đất mà gia đình ông đang sinh sống, ông Châu cho biết: "Gia đình tôi mua thửa đất này vào năm 1980. Đến năm 1982, gia đình tôi xây căn nhà dưới để làm nhà bếp và chuồng lợn. Trong quá trình sinh sống, ngoại trừ vợ tôi bị đau bệnh tiểu đường suốt 13 năm nay, thì gia đình tôi không thấy có gì bất thường. Tuy nhiên, căn bệnh tiểu đường mà vợ tôi phải chịu đựng đã biến chứng sang nhiều thứ bệnh khác như tim, phổi, thận, huyết áp, động mạch... Dù rằng tôi đã đưa vợ đi điều trị ở nhiều bệnh viện từ địa phương đến trung ương, nhưng bệnh tình của vợ tôi chẳng thuyên giảm. Khoảng hơn một năm nay, bệnh tình lại nặng hơn, nên vợ tôi chẳng làm được gì. Hơn thế, vào tháng 9/2011, vợ tôi lại phải đi mổ mắt ở bệnh viện trung ương đến ba lần. Thực sự, bệnh tình của vợ đã làm cho gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Suốt ngày tôi chỉ tập trung vào việc chạy chữa cho vợ". |
Văn Cương
Kỳ tới: Hiện tượng đào nhà tìm mộ theo hướng dẫn qua điện thoại của một số hộ dân ở xã Nga Liên diễn biến ra sao? Quan điểm của chính quyền địa phương như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trên số báo sau.