Đua nhau lập phường ăn chơi, bạn bè“bỗng dưng” mang thù hận

Đua nhau lập phường ăn chơi, bạn bè“bỗng dưng” mang thù hận

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Để có những khoản tiền dư giả, những chuyến du lịch bất tận và những cuộc ăn chơi tới bến mà không phải lo những “chiếc ví có hạn”, nhiều người đã rủ nhau chơi hội, chơi phường góp tiền làm “vốn ăn chơi”.

Tưởng chừng những khoản tiền chung này sẽ giúp giới trẻ có được những cuộc họp mặt, du lịch nhóm, những buổi kỉ niệm ý nghĩa... nhưng vô hình trung họ đã biến khoản tiền hội thành nguồn chơi không bến đỗ của riêng mình. Và nghiễm nhiên họ trở thành những con nợ để rồi phải gánh chịu những kết cục đáng buồn.

Xã hội - Đua nhau lập phường ăn chơi, bạn bè“bỗng dưng” mang thù hận

Ảnh minh họa

Lập hội để biến thành con nợ

Thanh Hải là một sinh viên Luật mới bước vào nghề nên việc gia nhập vào các hội, phường của phòng, ban nơi cô làm việc là điều khó tránh khỏi. Với mức lương thử việc là 1,8 triệu đồng, cô phải “gồng” mình trong việc sinh hoạt ăn ở để gắng sức tham gia tất cả các quỹ hội của phòng.

Theo truyền thống thì phòng có quỹ phòng và “quỹ phường” (quỹ chỉ dùng cho việc ăn chơi của phòng). Quỹ phòng mỗi thành viên phải nộp 300 ngàn đồng/tháng dùng cho các sinh hoạt tập thể như hoa quả hàng ngày, trà đá sau bữa trưa, quà biếu ốm đau cho thành viên trong phòng. Còn nguồn quỹ phường đúng theo quy định “bất biến” đã được thống nhất là chỉ dành cho các cuộc ăn chơi, sinh nhật, du lịch hàng năm của phòng thì mỗi người phải nộp 1 triệu đồng/tháng. Để đối mặt với các nguồn quỹ đó,

Thanh Hải phải chật vật với việc quay vòng vay tiền từ bạn bè đến anh chị cơ quan cũ để chiến đấu với 3 tháng thử việc. Tiền lương chỉ đủ cô đóng quỹ và xăng xe đi lại còn tiền ăn, nhà trọ Hải phải chật vật xoay sở, rất khổ sở. Nhưng tháng này sang tháng khác số tiền vay nợ cứ lớn dần lên theo số lần thất hứa của Hải với bạn. Cô rơi vào tình trạng bế tắc và khủng hoảng khi phải quẩn quanh với nỗi lo nợ tiền hàng tháng. Ba tháng thử việc cô không dám về nhà để đối mặt với những câu hỏi của gia đình về thu nhập. Vì trước khi xin được vào đây làm việc cô đã lấy đi của bố mẹ không ít tiền để trang trải cuộc sống bấp bênh sau nửa năm ra trường với nhiều công việc trái ngành tạm thời. Nhưng cuối cùng khi số tiền nợ đã quá lớn cô đành thú thật với bố mẹ và cầu cứu viện trợ từ gia đình.

Tệ hại hơn Hải là trường hợp tay chơi chính hiệu trong hội anh Hải làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu ở Hoàng Mai (Hà Nội). Phường của anh gồm 10 thành viên, mỗi người hàng tháng phải tham gia đóng góp quỹ ăn chơi là 1,5 triệu đồng. Và tiền quỹ hàng tháng sẽ được luân phiên cho từng cá nhân sử dụng. Theo đó đã tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng nguồn quỹ vào những cuộc ăn chơi vô độ để lại hậu quả khôn lường.

Anh Hải kể, quỹ phường trong nhóm chơi của anh mới hoạt động được 3 tháng thì một thành viên đã “ra đi” với việc quá lạm dụng tiền quỹ vào một trò chơi mạo hiểm. Nhân mùa EURO, anh này đã dồn hết nguồn quỹ phường cho việc cá độ bóng đá, phải thế chấp cả căn hộ chung cư mới “tậu” được cách đó mấy tháng. Từ đó, phải lần lượt trả nợ luân phiên quỹ phường cho các thành viên còn và lặng lẽ nói lời “từ biệt” với việc chơi phường, chơi hội này đồng nghĩa với việc tình bạn cũng tan luôn.

Lập hội để... “tan đàn xẻ nghé”

Trong cuộc hội ngộ nhóm đại học, Hào thấm thỏm với quyết định ngẫu hứng góp quỹ lập hội ăn chơi của đám bạn. Theo phong trào lập quỹ hội, phường phổ biến ở các môi trường làm việc, nhóm bạn đại học của anh Hào cũng đề sướng lập “quỹ hội ăn chơi”. Hàng tháng anh phải đối đầu với một loạt các quỹ hội bắt buộc như: quỹ hội phòng ở cơ quan, quỹ hội bóng đá, quỹ phường ở quê (đóng dành tiền tiết kiệm cho bố mẹ), và giờ là quỹ hội ăn chơi của nhóm đại học. Đến hẹn lại lên, các loại quỹ này như là một cái án chung thân cho một nhân viên ngân hàng như anh. Nhưng anh không thể góp ý và từ chối trước những lời lẽ tung hứng của tụi bạn mà đành ngậm ngùi chấp nhận.

Khác hoàn toàn với những hội anh đã từng tham gia thì hội ăn chơi này anh phải đóng góp gần như gấp đôi số tiền chỉ để thỏa mãn với những thú ăn chơi của giới trẻ. Theo nguyên tắc được đặt ra, mỗi tháng các thành viên phải đóng 2 triệu đồng và số tiền này sẽ lần lượt trao quyền sử dụng cho từng thành viên trong nhóm. Mục đích sử dụng của số tiền này phụ thuộc vào người cầm tiền, có thể thoải mái dùng vào bất kì việc riêng nào nhưng phải đảm bảo được cam kết: “Phải cung ứng đủ số tiền khi hội đột xuất đề nghị”. Người thủ quỹ của tháng đó phải trích ra 5 triệu đồng để tạo nguồn quỹ cho nhóm. Chi phí của các cuộc chơi ngẫu hứng sẽ được quỹ hội chi 5 triệu, còn thừa thiếu bao nhiêu thì người thủ quỹ của tháng đó chịu trách nhiệm “bao”, coi như là khoản lãi đóng góp trong quỹ hội. Và mức độ bao là tùy tâm.

Những lợi ích trước mắt được nhóm phân tích rất rõ với: Tạo nên nguồn kinh phí “dồi dào” cho mỗi cá nhân khi đến tháng được sở hữu số tiền của nhóm, tạo sự bình đẳng trong công tác trả tiền với mỗi cuộc chơi, có một ngân quỹ đảm bảo cho những cuộc họp kỉ niệm, vui chơi, du lịch... Thêm nữa có thể dẹp đi những rủi ro, bế tắc phát sinh về tài chính của các thành viên khi có những “cuộc vui bất chợt” do chủ nghĩa ngẫu hứng khởi sướng. Một loạt điều kiện cần được đưa ra để duy trì nhóm nên được các thành viên không thể từ chối mà phải hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng chỉ được 5 tháng quay vòng thì các bất cập được nảy sinh đã khiến các thành viên trong nhóm không thể duy trì thêm nữa.

Hai tháng đầu những bất cập nhỏ đã dần bộc lộ là những câu chuyện khó khăn nộp tiền quỹ cho đến việc sử dụng quỹ. Để khai trương cho tháng thứ nhất nhóm đã phát sinh 2 bữa tiệc sinh nhật và với cách ăn tiêu của đa số thành viên trong nhóm thì quỹ hội đã âm luôn tháng đầu. Và người thủ quỹ tháng thứ nhất đã ngoắc ngoải với những khoản tiền “bao” nhóm. Đến tháng thứ hai thì không có một cuộc hội họp nào diễn ra. Tháng thứ 3, thứ 4 khi ngân quỹ đã được đội lên thì các thành viên trong nhóm đã đua nhau lên dự định một chuyến du lịch. Và người thủ quỹ tháng thứ 5 phải chịu hết trách nhiệm về tổ chức cuộc chơi cho nhóm với ngân quỹ hội. Khi ngân quỹ đưa ra không đủ chi phí cho chuyến du lịch thì mâu thuẫn, tranh cãi quan điểm bắt đầu “nổi sóng”. Trách nhiệm “bao” của người thủ quỹ tháng có các cuộc vui phát sinh, quyền lợi và sự thua thiệt của các thủ quỹ vào những tháng đó...

Và, điều tệ hại không ngờ đến với những bất đồng quan điểm về quyền lợi và tổ chức quỹ hội, trong cơn say 2 thành viên trong nhóm đã xảy ra cuộc “ẩu đả”. Những suy nghĩ vụn vặt, câu chửi tục, bậy bạ được tung ra như những vũ khí lợi hại của các đối phương. Hậu quả tình bạn thân đã ra đi khi 2 người phải vào viện, “hội ăn chơi” bị giải tán, và chuyện quyền lợi về quỹ hội đã khiến các thành viên không thể quay lại với nhau. Sau 2 năm gặp lại để gắn kết tình bạn họ đã trở thành những người xa lạ.

Bình Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.