Từ quê lên thành phố kiếm cua
Cứ độ 4-5h sáng, mọi người lại gọi nhau í ới để cùng đạp xe vượt mấy chục cây số từ các tỉnh Tiền Giang, Long An lên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM để bắt cua. Nếu cố gắng đạp xe thật nhanh thì chừng 7 - 8h sáng tới nơi. Anh Nguyễn Văn Triều, quê xã Vĩnh Tây, Cần Giuộc, Long An vừa cặm cụi đào bới vừa nói vui: "Chỗ này chính xác là ngôi làng của nhà cua đó!".
Thủy triều khu vực này thường lên xuống vào lúc 8h sáng. Cứ mỗi lúc triều lên, cua theo nước lớn vào sình kiếm ăn, đến khi nước xuống cua lại bò vào hang, hốc trú ngụ. Thế nên cua ở vùng này không bao giờ hết. Cũng vì lẽ đó mà nhiều người ở xa đã không quản công, hằng ngày lặn lội tìm lên tận nơi đây để kiếm sống. Không ngơi tay làm, anh Triều tiếp tục tâm sự: "Bản thân tôi gắn bó với cái nghề này cũng 16 năm rồi. Sáng nào không đạp xe đi lên đây thì cảm thấy trong người rất khó chịu. Đi riết rồi cũng quen!".
Người săn cua cần mẫn bắt cua trên sình đất dưới nắng gắt phương Nam
Khoảng cách từ nhà anh Triều lên tới đầm lầy Phước Kiển là không dưới 30 cây số, nhưng chừng đó chẳng là gì, nếu so với mấy người bạn cùng đi móc cua. Chị Nguyễn Thị Lẹ, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày vượt đoạn đường hơn 90 cây số để đến được TP.HCM, tâm sự: "Tụi tui trong xóm đi chung với nhau. Cứ hai người một chiếc xe đạp thay phiên nhau chở nên cũng đỡ mệt và bớt ngán đường xa. Với lại, một ngày móc cua ở đây có khi bằng 3, 4 ngày cắt lúa mướn ở quê nên đi xa một chút đã sao đâu", nói xong, chị giở nón lá, lau bớt mồ hôi, để lộ vẻ khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt. Nhìn người phụ nữ dáng gầy còm, thật không thể tưởng tượng nổi sức lực đâu để mỗi ngày chị đạp xe bận đi, bận về lên đến 180 cây số.
Đa phần người săn cua tại đầm lầy Phước Kiển đều không nghĩ đến việc đi xe máy hay tìm chỗ ở trọ lại vì hoàn cảnh họ quá nghèo. Theo họ thì thà bỏ công đạp xeÀ, chứ nếu có xe máy cũng không dám chạy, vì tốn tiền xăng đi, xăng về. Hơn nữa, khoảng thu nhập của nghề móc cua cũng vô chừng, lúc nhiều, lúc ít. Lúc nhiều thì không nói làm gì, nhưng lúc ít nếu thuê nhà, hay đi xe máy sẽ lỗ là cái chắc. Vả lại, những người phụ nữ như chị Lẹ luôn mong mỏi sau một ngày mưu sinh cực nhọc, tối sẽ được về nhà cạnh chồng, cạnh con cho ấm nhà, ấm cửa.
Bắt cua cũng cần... công phu
Muốn bắt được cua phải biết kiên nhẫn chờ đợi con nước. Nước lớn cua thường ra khỏi hang để ăn còng, cá, rong rêu và để lại một số dấu hiệu mà chỉ có người chuyên săn cua mới nhận ra được. Sau khi biết có cua, người thợ săn sẽ lùng sục khắp mọi ngóc ngách có thể như hang, hốc, gốc dừa nước… Với những hang sâu, họ dùng móc thọc vào, và bằng cảm giác nhạy bén nghề nghiệp sẽ đoán biết được trong hang có cua hay không. Tuy nhiên, không phải lúc nào trong hang cũng là cua.
Không những thế, suốt buổi săn... cua, người thợ phải dầm mình dưới nước và sình bùn đặc quánh, việc di chuyển, đi lại do vậy rất khó khăn. Mỗi buổi đi bắt cua, họ phải lội bộ trung bình từ 5 - 7 cây số dưới cái nắng như thiêu đốt trên đầu, chưa kể các loại mảnh chai, phế liệu, thép gỉ sắc nhọn dưới đáy đầm lầy luôn rình rập cứa vào đôi chân trần của họ. Mới tuần trước tôi giẫm phải miếng thép dưới đáy đầm này, phải nghỉ ở nhà mấy bữa. Giờ cũng chưa lành hẳn nhưng phải tiếp tục công việc thôi. ở nhà ngày nào con cái lại đói ngày đó. Chậm chạp lê từng bước nhọc nhằn do vết thương dưới chân chưa lành hẳn”, chị Lẹ vừa đi vừa nói như là sự than thở.
Chỉ nhìn gương mặt đen sạm, hằn sâu những vết nhăn của chị Trần Hồng Quyên, quê Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cũng hiểu được sự nhọc nhằn mưa nắng chị đã bươn chải trong nghề này. Nghe hỏi, chị Quyên thiệt tình chia sẻ: "Với mười năm kinh nghiệm, tôi nghĩ bắt cua không dễ đâu. Điều quan trọng là phải có sức khỏe, tinh mắt mà còn phải thật kiên nhẫn, kiên trì nữa. Nhiều khi đi cả tiếng đồng hồ không gặp được một hang cua nào...”. Thật vậy, chúng tôi đội nắng, lội sình theo chị hơn một giờ đồng hồ, mồ hôi tuôn ra ướt cả áo, chân đã mỏi rã rời mà giỏ cua của chị thì vẫn trống không.
Còn cua, còn cơ hội "Những con cua gạch như thế này, thường bán được khoảng 120.000 - 150.000 đồng/1kg”, vừa nói, anh Triều vừa đưa cho chúng tôi xem con cua to gần bằng bàn tay mà anh lúi húi mấy phút liền mới móc được trong hang ra. Tiếp sau đó anh lại chỉ một cái hang cua khác, nói bằng giọng đầy kinh nghiệm: "Hang đó chắc chắn có cua, mà cũng không lớn lắm đâu", đúng như lời anh, con cua được móc ra khá nhỏ. Dù vậy, gương mặt anh cũng rạng rỡ hẳn lên. Không riêng gì anh, hầu như tất cả mọi người bắt cua ở đây khi thấy người khác móc được cua cũng mừng như chính mình bắt được cua vậy. Cua to, cua nhỏ không thành vấn đề chỉ biết càng bắt được nhiều họ lại càng vui, vì còn cua là còn cơ hội cho họ kiếm sống và nuôi con cái ăn học. |
Vân Thiên