Tiền tỷ nhờ trầm hương
Trầm hương và các sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ trầm hương đang được nhiều tay chơi săn lùng, đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về. Bắt nhịp xu thế này, mỗi năm, cận kề Tết Nguyên đán, làng nghề chế tác trầm hương tại huyện miền núi Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) lại nhộn nhịp vào mùa. Một ngày cuối năm, PV xuôi theo Quốc lộ 20, tìm về làng trầm hương để mục sở thị những công đoạn chế tác đồ mỹ nghệ trên loại gỗ quý.
Có mặt tại cơ sở trầm hương Hoàng Phi do ông Nguyễn Hoàng Phi làm chủ, PV tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ làm trầm. Ông Phi cho biết, nghề làm trầm hương có việc quanh năm nhưng dịp Tết là lúc các cơ sở nhộn nhịp hơn cả. Giá trị của trầm hương rất cao nên dịp Tết, nó trở thành quà biếu cao cấp, vật trưng bày sang trọng, quý hiếm.
Ông Phi cho biết, trầm hương được khách hàng ưa chuộng vì có mùi thơm đặc trưng, rất quý hiếm, có nhiều công dụng. Do đó, các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương cũng trở thành những món hàng xa xỉ được nhiều tay chơi trên cả nước săn lùng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu một sản phẩm đẹp làm quà biếu Tết hoặc trưng trong nhà.
“Trầm dùng để tạo các sản phẩm mỹ nghệ được lấy từ thân cây dó bầu. Trên thân dó bầu, trầm là lớp dầu màu đen mỏng bao bọc quanh thân cây, nằm giữa các lớp giác và ròng. Để thu được sản phẩm này, phải qua công đoạn sủi trầm và người sủi trầm phải làm rất tỉ mỉ, khéo léo. Sau khi tách trầm, tùy vào từng loại mà các thợ tự phân ra sử dụng vào các mục đích khác nhau”, ông Phi nói.
Theo quan sát của PV, cơ sở của ông Phi có gần 50 thợ đang tất bật đục đẽo để chế tác. Mỗi người làm một công đoạn như: Đục, đẽo, tách trầm,... Tuy nhiên, dù tay đưa thoăn thoắt, tôi vẫn cảm nhận rõ sự khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ. Chị Nguyễn Thị Hương, thợ chế tác sản phẩm chia sẻ: “Ngày thường, tôi đi làm nương rẫy nhưng dịp cận Tết, tôi đến cơ sở trầm hương làm thời vụ. Gần Tết, ở đây nhiều việc lắm. Nhiều ngày, chúng tôi phải tăng ca, làm đến đêm để kịp giao sản phẩm cho khách”.
Rời xưởng của ông Phi, tôi đến xưởng của ông Nguyễn Văn Năm. Cơ sở của ông Năm cũng tất bật, nhộn nhịp như ngày hội. Tại đây, ai cũng tay chân thoăn thoắt để tạo ra các sản phẩm trầm hương tinh xảo. Ông nói: “Sau khi hoàn thành, các sản phẩm trầm hương được các đại gia trong nước chọn mua. Số còn lại, chúng tôi xuất sang: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhu cầu đồ mỹ nghệ từ trầm hương ngày càng cao nhất là dịp Tết nên đây là lúc chúng tôi tranh thủ vừa tạo công việc cho nhân công vừa kiếm được thêm thu nhập”.
Cũng theo ông Năm, trầm hương tự nhiên có mùi thơm hơi hắc. Nhưng khi đốt, trầm sẽ cho mùi thơm không thể lẫn lộn với một loại hương thơm nào khác. Do đó, ngoài làm mỹ nghệ để trưng trong nhà, trầm hương còn được dùng để sản xuất tinh dầu, nước hoa,... Ngoài ra, trầm hương còn được sử dụng để làm thuốc vì có tác dụng: Hạ đờm, bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng vận hóa của tỳ thận,... Đó là những lý do nhiều đại gia cố săn được trầm hương “xịn” để sử dụng.
Anh Mai Vân Huỳnh, một thợ làm trầm hương chia sẻ: “Trầm trong cây dó bầu lớn, có dáng đẹp được khách ưa chuộng nhất. Mỗi “cành” trầm làm kiểng có giá từ 10 – 20 triệu đồng. Đối với những cây có dáng đẹp, độ kết dính trầm cao có giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng những mảnh trầm vỡ vụn, giá trị không cao sẽ được chưng cất, tinh chế thành dầu. Dầu trầm được sử dụng làm nước hoa, thuốc chữa bệnh nên có giá từ 100 - 200 triệu đồng/lít”.
Săn trầm để “gom” vận may dịp Tết
Ngoài tiếp xúc với các thợ chế tác trầm hương, tôi may mắn được gặp gỡ những bậc thầy chơi trầm. Các tay chơi hầu hết đều có sở thích săn trầm nhất là các cành kiểng. Theo quan niệm của những người này, trầm hương là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Trầm càng đẹp thì giá càng cao và đưa được trầm về nhà vào dịp Tết thì may mắn sẽ theo về cả năm, công việc làm ăn, đời sống đều thuận lợi.
Anh Nguyễn Hồng Hùng (ngụ tỉnh Bình Dương), người đang sở hữu hơn chục “cây kiểng” bằng trầm hương nhưng vẫn tìm về huyện Tân Phú để đặt hàng Tết. Qua trò chuyện, anh Hùng cho biết, trầm mang lại may mắn cho người sở hữu. Do đó, năm nào anh cũng săn trầm để trưng hoặc làm quà biếu Tết. Hiện, bộ sưu tập của anh có những cành kiểng giá trị gần nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, đam mê sưu tầm trầm của anh chưa bao giờ vơi cạn. “Trầm kiểng đắt, rẻ chủ yếu nhờ dáng. Trầm có dáng cao, đẹp, nhiều tạo hình bắt mắt sẽ có giá rất cao. Giá dù cao, nhưng nếu ưng ý, những người như chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu”, anh Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, anh Minh, một tay săn trầm có tiếng ở TP.HCM cũng tìm về Tân Phú. Theo anh Minh, trầm là lộc của “mẹ thiên nhiên”, nên anh cố gắng sở hữu để có nhiều sự may mắn. Anh nói: “Từ khi chơi trầm, công việc làm ăn của tôi thuận lợi hơn. Trong nhà tôi luôn có mùi thơm dễ chịu nên tinh thần cũng thoải mái, con người ít bệnh tật. Hơn nữa các đối tác của tôi khi được tôi tặng trầm cũng tỏ vẻ thích thú và rất hài lòng”.
“Ngày xưa để sở hữu trầm là điều vô cùng khó khăn vì các thợ tìm trầm phải băng rừng lội suối vào tận rừng sâu mới có. Có những thợ đã bỏ mạng. Ngày nay, nhiều người đã trồng được cây dó bầu tạo trầm nên việc sở hữu trầm trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, săn được trầm có dáng đẹp là điều không hề dễ. Muốn có “hàng đẹp”, chúng tôi phải có mối dẫn đi. Các cơ sở làm trầm khi có hàng đẹp cũng không giữ được lâu vì bị những người săn giành giật, anh Minh chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Minh Long, người có thâm niên làm trầm hàng chục năm chia sẻ: “Trong thế giới đồ mỹ nghệ không thể không nhắc tới trầm hương. Trầm hương là đồ mỹ nghệ đắt đỏ và được nhiều người săn đón, nhất là dịp Tết. Ai cũng hiểu rằng trầm hương có giá cao. Trầm càng đẹp giá càng cao. Tuy nhiên, những loại trầm giá càng cao thì lại càng dễ bán”.