Đua nhau sinh con trai, Việt Nam sắp phải “nhập khẩu” phụ nữ

Đua nhau sinh con trai, Việt Nam sắp phải “nhập khẩu” phụ nữ

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Trong tương lai, khoảng 4,3 triệu nam giới ở Việt Nam sẽ dư thừa. Do vậy, thay vì "xuất khẩu" như trước đây, sắp tới, nước ta sẽ phải "nhập khẩu" phụ nữ.

Hơn 4 triệu đàn ông Việt sẽ ế vợ

Số liệu của Tổng cục Dân số công bố ngày 03/11 tại hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tăng liên tục từ 2006 đến nay. Cụ thể, từ 109 trẻ trai /100 trẻ gái hiện đã lên tới 112,3/100 và dự tính tỷ lệ mất cân bằng tiếp tục tăng. Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009, có tới 45/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có tình trạng MCBGTKS, tập trung ở các vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Pháp luật - Đua nhau sinh con trai, Việt Nam sắp phải “nhập khẩu” phụ nữ

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên nóng ở Việt Nam

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đưa ra nhận định rằng, Việt Nam sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong tương lai. Một điều tưởng như nghịch lý nhưng lại đang xảy ra đó là những vùng có kinh tế xã hội càng phát triển, các hộ gia đình có thu nhập cao, các cặp vợ chồng có trình độ học vấn càng cao thì tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) càng cao.

Sau năm 2025, hệ lụy của việc mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta sẽ tác động lớn đến mọi mặt kinh tế, an ninh chính trị, trật tự xã hội. Việc dư nam giới, thiếu phụ nữ sẽ xảy ra tình trạng tranh giành phái nữ. Phụ nữ sẽ lập gia đình sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình, tỷ lệ buôn bán phụ nữ gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Khá, ủy viên thường trực - Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nhiều người đã tìm mọi cách, kể cả lợi dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để chọn giới tính thai nhi. Chính những người làm dịch vụ y tế còn tạo điều kiện cho các gia đình muốn sinh bé trai.

Điều 10 Nghị định 104 năm 2003 đã nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền biện pháp tạo giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định 114 năm 2006 cũng quy định xử phạt hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Thế nhưng, trên thực tế, rất khó phát hiện, xử phạt người làm dịch vụ y tế bởi người làm kết quả siêu âm không viết rõ giới tính. Những y, bác sỹ đó sẽ nói trực tiếp với người mẹ những câu đại loại như thai nhi này rất mạnh mẽ, thai nhi này khá dịu dàng. Các bậc cha, mẹ căn cứ vào đó rồi quyết định giữ hay phá bỏ thai nhi.

Cũng theo bà Khá, nếu từ trước tới nay, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc gia tăng, hay nói theo lĩnh vực kinh tế là chúng ta xuất khẩu phụ nữ thì sắp tới Việt Nam phải “nhập khẩu” phụ nữ trở lại. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, chẳng hạn, nam giới khó kết hôn hoặc phải kết hôn với người nước ngoài, cuộc sống khó hòa hợp.

Tình trạng độc thân sẽ gia tăng ở các chàng trai nông thôn. MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dư thừa nam giới trong xã hội, bản thân nam giới sẽ khó kiếm việc làm do sự cạnh tranh trên thị trường lao động. Tệ nạn hiếp dâm bé gái sẽ tăng bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của gia đình. Lâu dần sẽ gây ra bất ổn về kinh tế, chính trị.

Lấy một minh chứng cụ thể về mất cân bằng giới tính là Trung Quốc. Trước đây, số lượng nam giới muốn kết hôn hơn nữ giới là 60%. Ngoài việc kết hôn muộn thì có 10 - 15% nam giới không thể kết hôn.

Tâm lý sợ ngồi mâm dưới

Theo ông Dương Quốc Trọng, tổng cục trưởng tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh tăng một phần do yếu tố Nho giáo, tâm lý gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Nhiều người có suy nghĩ chỉ con trai mới là người thờ phụng và nối dõi, thờ cúng tổ tiên và luôn có mặc cảm, tội lỗi khi không có con trai.

Từ xưa đến nay, theo phong tục, nếp nghĩ của người Việt, khi chuẩn bị kết hôn, chọn ngày cưới, phía nhà trai đã được chủ động hoàn toàn. Ngay như khi in thiệp cưới, nhà trai bao giờ cũng được ghi trước nhà gái. Khi chung sống, hầu như người chồng làm chủ hộ. Trên giấy khai sinh cũng vậy, dù pháp luật quy định con cái có thể mang họ bố hoặc họ mẹ nhưng hiếm có gia đình nào đặt tên con theo họ mẹ.

"Hiện nay, quá nhiều tập tục của người Việt mình còn trọng nam khinh nữ. Theo tôi, con nào cũng là con, cũng có quyền bình đẳng như nhau. Khi bố mẹ qua đời, chỉ có con trai mới là người bê bát hương. Nhà nào sinh toàn nữ thì cháu trai sẽ làm nhiệm vụ trên. Từ nhiều lý do trên, tâm lý của người dân là phải có con trai. Suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức bao đời của người Việt, cần phải được thay đổi", ông Trọng nhấn mạnh.

Pháp luật - Đua nhau sinh con trai, Việt Nam sắp phải “nhập khẩu” phụ nữ (Hình 2).

Ông Christophe Guilmoto, chuyên gia của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA)

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân phụ trợ dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh là kinh tế gia đình. Người con trai thường là lao động chính nuôi sống gia đình, đặc biệt ở những vùng sử dụng nhiều sức cơ bắp như nghề biển, lâm nghiệp. Một điều nghiễm nhiên trở thành "luật bất thành văn" đó là người già thường phải sống dựa vào con trai. Cộng thêm tâm lý của đa số đám đông là nhà sinh nhiều con gái khi đi ăn cỗ sẽ phải ngồi mâm dưới.

Quyền trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Mandeep K.O'Brien bày tỏ quan điểm, phân biệt đối xử với trẻ em gái ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều là mặt trái của xã hội, cần phải chấm dứt ngay. Bé gái cũng như bé trai và xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới chính là trung tâm sự phát triển bền vững của một quốc gia và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Đứng trước những nan giải về mất cân bằng giới tính, theo bà Nguyễn Thị Khá, không thể thực hiện giải pháp trong ngày một ngày hai, tất cả phải là cả quá trình tổng thể. Nó liên quan đến văn hóa, tập quán của người dân. Cần thúc đẩy thực thi pháp luật, thực hiện chính sách pháp luật về dân số, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Các bộ, ngành liên quan cần bổ sung tội danh trong Bộ luật Hình sự, nâng hình phạt với hành vi lựa chọn giới tính khi sinh, ban hành trợ cấp cho bé gái khi đi học, vào cấp III được cộng thêm điểm, bé gái khi thi vào đại học được miễn học phí, gia đình sinh bé gái được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, khi về già, phụ nữ sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Có như vậy mới có thể thay đổi được nếp nghĩ phong kiến và nhận thức của mọi thành viên trong xã hội.

Có thể thấy, vấn đề thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của người dân là quan trọng nhất. Công tác vận động, tuyên truyền phải đặc biệt được đẩy mạnh. Thế nhưng, năm 2013, nguồn kinh phí 123 tỷ đồng hỗ trợ truyền thông cho công tác dân số đã bị cắt hoàn toàn. Đây là một trở ngại lớn cho công tác dân số ở thôn, bản.

Giải pháp đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường đầu tư nguồn lực cũng cần được chú trọng, nâng cao xử phạt hành vi lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao trách nhiệm truyền thông. Từ đó cần nâng cao vị thế phụ nữ trong mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội đồng thời cần sớm ổn định bộ máy làm công tác dân số, đảm bảo sớm khắc phục bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thiếu hụt phụ nữ dẫn tới suy giảm tỷ lệ sinh, xa hơn nữa sẽ làm giảm tổng dân số cũng như nhóm người trong độ tuổi lao động, tăng quá trình già hóa dân số. Mới đây, nước ta đã tịch thu 30.000 cuốn sách hướng dẫn và đóng cửa 7 trang web tuyên truyền lựa chọn giới tính.

Yến Dương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.