Kiếm tiền không dễ
Sinh năm 1968 trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Đông Thị (Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An), quanh năm lam lũ với ruộng đồng, anh lập gia đình từ năm 18 tuổi và trung thành với con trâu, cái cày như đa số người dân trong làng. Lúc 25 tuổi, anh đã là bố của bốn đứa con. Cả gia đình sáu miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng còm, đôi ba công việc vặt tranh thủ làm thuê trong ngày, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Các con càng lớn, việc ăn học của chúng càng trở nên tốn kém khiến vợ chồng anh dù nai lưng ra làm từ sớm tinh mơ đến tối khuya cũng không sao xoay xở được. Đúng vào thời điểm cam go nhất khi anh cảm thấy thực sự bất lực thì năm 2000, Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Sau nhiều đêm thao thức bàn bạc, cuối cùng vợ chồng anh cũng đi đến quyết định chị sẽ ở nhà chăm sóc con cái, lo toan việc nhà, còn anh sẽ lên đường đi Malaysia trong đợt xuất khẩu lao động đầu tiên của xã Đô Thành. Anh cho biết, khi đưa ra quyết định liều lĩnh đó, vợ chồng anh chẳng khác gì đánh một canh bạc lớn vì toàn bộ chi phí cho chuyến đi đều là tiền vay mượn, trong đó một phần lớn được vay từ ngân hàng.
Nhà cao tầng san sát ở làng tỷ phú Đô Thành
Sau ba năm làm việc ở Malaysia trở về, anh đã trả hết nợ nhưng tiền để ra chẳng đáng là bao, bởi điều kiện kinh tế ở Malaysia cũng chỉ nhỉnh hơn Việt Nam chút ít. Sau vài năm nghỉ ngơi, sửa sang nhà cửa, gần gũi vợ con, thấy nhiều người trong làng đi Hàn Quốc, Nhật, Anh, Đức... về mang theo bộn tiền, anh lại nghĩ đến chuyện xuất ngoại. Thế là, năm 2006 anh quyết định đầu tư một số tiền lớn hơn để đi Hàn Quốc. Vì tiền dành dụm đã dùng hết, vợ chồng anh lại phải gõ cửa ngân hàng thêm một lần nữa.
Cuối năm 2011, hết thời hạn hợp đồng năm năm, anh về nước với tiền tỷ trong tay, xây dựng một cơ ngơi khang trang như mộng. Nhưng để dành dụm được số tiền đó là cả một quá trình chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, làm việc quần quật trong các xưởng cơ khí từ ngày này sang ngày khác ở xứ người, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Anh Ngân nhấp ngụm nước trà đặc chát như nuốt vào lòng muôn nỗi đắng cay, vất vả: "Nhìn vào những gì mình mang về, người ta cứ nghĩ mọi thứ thật đơn giản, chỉ những người trong cuộc mới hiểu mỗi đồng tiền mà chúng tôi kiếm được đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Kiếm được đồng tiền của thiên hạ đâu phải chuyện dễ". Anh kể, ở bên Hàn, anh làm công nhân cho một công ty cơ khí chế tạo máy.
Là lao động phổ thông nhưng mỗi tháng, ngoài các chi phí ăn ở, anh vẫn để ra được hơn 1.000 USD. Đó là một mức lương khá lý tưởng nhưng các chi phí ở đây lại vô cùng đắt đỏ. Bởi vậy, anh Ngân nói riêng và những người Việt đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài nói chung, nếu muốn dành dụm tiền gửi về quê đều phải lên một kế hoạch chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Tất cả đều ăn uống một cách kham khổ, ở ghép với những người khác trong những khu trọ tồi tàn, hạn chế tối đa việc mua sắm để không tiêu vào số lương hàng tháng.
Anh Phan Văn Ngân hạnh phúc bên vợ
Đổi đời nhờ xuất ngoại
Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân cả làng Đô Thành bỗng giàu lên trông thấy, nhà nào cũng xây biệt thự, sắm xe hơi, ông Phan Văn Trung (Bí thư xã Đô Thành) không chút ngần ngại, trả lời ngay: "Tất nhiên là nhờ xuất khẩu lao động".
Nguyễn Văn Hà, một trong những đại gia "chân đất" mới bứt lên khỏi cuộc sống nghèo khó nhờ mấy năm làm công nhân ở Đức cho biết, anh không thể quên được những ngày đầu tiên lưu lạc ở xứ người. Thời gian đó với anh chẳng khác nào một cơn ác mộng. Cả ngày trời, anh phải căng mình ra để làm việc cùng máy móc, tối về gặm một chiếc bánh mì khô khốc, vừa trệu trạo nuốt vừa nhớ về vợ con, miếng bánh nghẹn ngào không sao nuốt nổi, nước mắt trào ra. Ngày làm mệt bở hơi tai nhưng đêm nào anh cũng thao thức không sao ngủ được khi nghĩ đến khoản nợ ngân hàng như chiếc búa tạ nặng ngàn cân treo lơ lửng trên đầu. Sang Đức chưa được một tuần, anh đã sút mất gần năm cân thịt. Nhưng rồi anh cũng quen dần với cuộc sống làm thuê nơi đất khách. Nhất là khi nhận được tháng lương đầu tiên gần 2.000 USD, anh càng thêm khí thế làm việc, thêm tin tưởng ở một tương lai tươi sáng đang chờ đợi phía trước.
Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Trung
Cứ như vậy, người nọ rủ người kia, người đi trước tiên phong cho người đi sau, phần lớn các hộ gia đình ở Đô Thành đều có con em đi xuất khẩu lao động. Họ tự bảo ban nhau những kinh nghiệm chi tiêu tiết kiệm, nâng cao ý thức, tay nghề để xây dựng mối thiện cảm lâu dài của giới quản lý với lao động Việt Nam, tạo điều kiện gia hạn hợp đồng sau này. Bằng cách đó, hàng trăm lao động nghèo đã trở nên giàu có sau một hoặc vài chuyến lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Và xóm nhà tranh vách đất năm xưa bỗng hóa thân thành những biệt thự sang trọng giống như một phép màu.
Ngập biệt thự và xế sang Theo những con số tương đối mà ông Bí thư xã nêu ra thì cả xã hiện có đến 300 tỷ phú, 2.000 ngôi nhà cao tầng, 200 xe ô tô các loại trong đó có nhiều xế hộp hạng sang của các hãng xe nổi tiếng như BMW, AUDI, FORD, MERCEDES... Trong xã, hiện có 2.000 lao động đang làm việc tại các nước phát triển như Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng số lượng người đi lao động xuất khẩu của xã vẫn được duy trì một cách ổn định. |
Dương Dung