Ngày 1/8/2022, Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam (ACT) cùng với Viện Khoa học Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (RADSI) đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Tp.HCM khẳng định: “Với khả năng truy vết, TrueData không những giúp người tiêu dùng có nên mua sản phẩm nào hay không mà còn giúp nhà quản lý đưa ra biện pháp, chế tài thích đáng để xử lý nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ”.
Ông Phạm Văn Thọ cũng tin rằng sự hợp tác này sẽ thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, doanh nhân chân chính, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng tiên tiến, hiện đại, vươn tầm phát triển ra thế giới.
Đại diện Viện Khoa học Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - ông Lê Tuấn Can chia sẻ tại buổi lễ: “Hàng hoá Việt Nam rất đa dạng và phong phú, có rất nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng, nhưng câu chuyện đưa nông sản Việt ra thế giới lại gặp rất nhiều vấn đề, trong đó nổi lên nhiều nhất là vấn đề hàng giả, hàng nhái”.
“Vậy nên, Viện chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi đồng hành, nghiên cứu và phát triển với công ty Cổ phần TrueData, giải pháp này đã giúp những doanh nghiệp ứng dụng bảo vệ được thương hiệu và có tiếng nói đối với sản phẩm của mình”, ông Lê Tuấn Can phát biểu thêm.
Dựa vào ưu thế, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên sẽ đồng hành và phát triển, ứng dụng giải pháp TrueData. Đây là giải pháp chống hàng giả bằng công nghệ chip RFID được coi là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất mà ACT đang ứng dụng và cung cấp tới khách hàng.
Hai bên thống nhất sẽ kết hợp cùng nhau đồng hành trong hoạt động chống giả của nhà nước. Đấu nối, kết xuất dữ liệu thông tin dữ liệu nguồn gốc hàng hóa thu thập được từ việc hàng hóa có ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc TrueData để cung cấp, cập nhật thông tin cho Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ là nơi cung cấp thông tin chính thống về dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được thu thập đầy đủ trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng bao gồm thông tin chuỗi sản phẩm, từ việc mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển,…
Từ đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết được chất lượng sản phẩm thông qua hàng loạt thông tin về toàn bộ quá trình hình thành, đường đi của một sản phẩm trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này có công cụ để quản lý, công khai chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ xác định được chính xác, kịp thời nguyên nhân sự cố về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.
Thanh Hồng - Phương Anh