Nhiều dự án cung cấp nước sinh hoạt
Các địa phương vùng ngọt ở Cà Mau đang “gồng mình” hứng chịu những tác động bất lợi từ hạn hán. Đây cũng là mùa khô khốc liệt thứ ba xảy ra tại địa phương này, từ lần đầu vào năm 2016 và kế tiếp vào năm 2020. Nắng hạn rồi sẽ qua đi nhưng hậu quả để lại cần có thời gian dài để khắc phục.
Mấy ngày gần đây, mặc dù đã xuất hiện vài cơn mưa trái mùa tại một số khu vực, nhưng theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau, tình trạng nắng nóng, khô hạn trên địa bàn vẫn còn biễn biến phức tạp. Người dân ở những vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình phải chắt chiu từng dòng nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai dự án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Trong đó, đã thống nhất chi 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình mua dụng cụ trữ nước, tổ chức mở rộng mạng đường ống các công trình cấp nước hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, khuyến khích, vận động cộng đồng, doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ mang nước sạch đến những vùng khô hạn.
Anh Ngô Văn Dư (ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Tình trạng thiếu nước năm nay diễn ra nghiêm trọng hơn những năm trước. Khu dân cư chúng tôi sống đã thiếu nước sạch sinh hoạt mấy ngày nay rồi, các giếng nước ngọt cũng khô cạn. Nhưng chính quyền đã triển khai lắp đặt đường ống nước sạch đến khu vực này, từ nay không phải lo thiếu nước và bị động về nước sinh hoạt nữa”.
Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang chung tay cung cấp nước sạch đến người dân những vùng khô hạn.
Trong đó, tỉnh Cà Mau đã vận động các nhà tài trợ được 3.500m đường ống nhựa lắp đặt tại ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông và xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời); 300 bồn nước từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Chi nhánh Cà Mau.
Hiện nay, đang triển khai lắp đặt thêm 12 bồn nước từ nguồn ngân sách tỉnh. Bố trí lực lượng, phương tiện chở 400m3 nước ngọt ra đảo Hòn Khoai để hỗ trợ cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Từ đầu năm đến nay, Công ty Cấp nước tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ hơn 40 khối nước sạch cho người dân vùng khô hạn. Thời gian tới, Công ty khảo sát, tiến hành trao tặng 85 bồn chứa nước.
Trong đó, trao cho 25 hộ dân, mỗi hộ 2 bồn. Số còn lại trao cho các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo Hòn Chuối. Về phương án lâu dài, công ty sẽ hỗ trợ giải pháp kỹ thuật công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Trước tình hình biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, những biện pháp giúp người dân “giải khát” có tính hiệu quả lâu dài cần được triển khai thực hiện sớm.
Giếng nước ngầm nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn, tình trạng nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa ở các xã đảo thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Tp.Hà Tiên giảm nhanh, các giếng nước ngầm bị nhiễm mặn dẫn đến việc thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Không chỉ người dân tại các xã đảo đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch, mấy tháng qua người dân các xã thuộc địa bàn huyện An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương cũng chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao trong khi công suất cấp nước của các trạm cấp nước tập trung chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng nước kém do nguồn nước bị nhiễm mặn.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang khẩn trương khoan giếng bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước như trạm cấp nước Tân Thạnh (An Minh), trạm cấp nước khu vực huyện Hòn Đất.
Trung tâm vận chuyển nước sạch từ đất liền ra đảo để cung cấp cho nhà máy xử lý nước cấp nước sạch cho người dân trên xã Tiên Hải (Tp.Hà Tiên) 700m3/ngày. Đối với các trạm cấp nước thuộc các xã Thuận Hòa, Đông Hưng (An Minh) đang vượt công suất, một số khu vực cuối tuyến bị thiếu nước cục bộ, đơn vị đã điều tiết, cấp nước luân phiên theo giờ và theo tuyến.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp các địa phương chuẩn bị phát 6.700 bồn chứa dung tích 1.000 lít/bồn cho hộ dân sống phân tán xa khu dân cư, không thể kéo nước máy ở Tp.Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành và U Minh Thượng.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ống tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây (An Minh); đầu tư bồn trữ nước cho xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương); thổi rửa 7 giếng khoan tại 7 trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác, đảm bảo nguồn cung cấp nước.
Tại xã đảo Tiên Hải, Tp.Hà Tiên là địa bàn có khoảng 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu, nhu cầu dùng nước ngọt khoảng 250m3 mỗi ngày đêm. Lượng nước ngọt dùng trên đảo này ngày một khan hiếm, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay.
Để hỗ trợ nhu cầu dùng nước ngọt để uống, nấu ăn cho người dân xã đảo, Công an xã Tiên Hải, Tp.Hà Tiên hiện phụ trách vận hành hệ thống lọc nước biển mặn thành nước ngọt và cấp miễn phí cho người dân. Hệ thống lọc nước này được nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cho xã Tiên Hải năm 2020, kinh phí thực hiện khoảng 1 tỷ đồng. Công suất hệ thống đạt 35m3/ngày đêm.
Với việc làm trên của Công an xã Tiên Hải đã phần nào giải quyết câu chuyện khó và bất tiện mà rất nhiều hộ dân trên xã đảo Tiên Hải đã và đang trải qua, khi mùa khô hạn vẫn chưa kết thúc. Mọi người bảo nhau cần sử dụng nước thật tiết kiệm.
Nước ngọt ở đất liền trong mùa khô đã ít, thì nước ngọt ở đảo mùa này thật sự là tài nguyên hiếm, cần phải được chắt chiu bội phần.