Gửi chú Út,
Tối qua rảnh rỗi lướt “phây”, thấy chú chia sẻ bài báo “Đưa cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi xuất khẩu lao động” cùng lời bình hết sức chua chát về nền giáo dục, về năng lực tư duy của các nhà quản lý. Anh tò mò vào đọc bài báo, tìm hiểu thêm về Đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025"; sau đó lén lút nhìn lại tấm bằng thạc sĩ đang treo trang trọng ngoài phòng khách của chú.
Biết chú vẫn chưa “hạ hỏa” và sợ chú tự ái, nên anh không nói trực tiếp mà chỉ dám viết cho chú lá thư.
Chú biết đấy, khi chú nói với cả nhà rằng chú “đang chờ việc”, không ai trong nhà thúc giục, tạo sức ép về thời gian với chú. Suốt ba năm nay, ai cũng bảo chú sống vô tư, thỉnh thoảng lại vạch ra kế hoạch đạo nhạc hoặc làm mấy trò lố như “công chúa Thủy Tề” để dấn thân showbiz, nhưng anh biết kỳ thực trong lòng, chú đang rất sốt ruột. Bởi cũng vì chưa tìm được việc làm mà bên gia đình sui gia hay nói vòng vo, mỉa mai em dâu trước mặt chú.
Chú vẫn hay đổ lỗi cho... hệ thống khi say hoặc khi nghe thấy bất kỳ ai nhắc tới con số hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Giờ anh muốn hỏi, tại sao chú chưa từng đổ lỗi cho chính mình? Anh nghĩ, đề án kia cũng sẽ là cánh cửa hữu hiệu, mở ra cơ hội việc làm ở nước ngoài cho những lao động có chuyên môn, có trình độ. Đang thất nghiệp “dài hạn” bỗng dưng được trao cơ hội có việc làm (lương cao) thì còn lăn tăn điều gì nữa?
Anh không hiểu vì đâu mà chú lại gọi đề án này là một chương trình “đào thải”, gây “chảy máu chất xám”, lãng phí nhân tài ở thời kỳ dân số vàng; biến những người được đào tạo làm “thầy” trong nước trở thành “thợ” ở nước ngoài.
Chú đã từng đánh giá một cách công tâm chất lượng “chất xám” của từng nhóm lao động thuộc 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp chưa? Nhóm trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất không đơn giản là do thiếu may mắn đâu chú ạ.
Anh đọc báo và được biết nhiều bạn thạc sĩ, cử nhân đã chấp nhận làm công nhân, thậm chí xin đi giúp việc, phu hồ trong nước còn bị từ chối thẳng thừng vì không đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng.
Do đó, ở một môi trường đòi hỏi cao hơn về chuyên môn, ngoại ngữ; lại luôn phải cạnh tranh với những lao động trẻ trung, khỏe mạnh hơn thì đương nhiên, số lao động làm “thợ”, thậm chí phải học lại từ đầu để làm thợ sẽ cao hơn số lao động được làm “thầy”.
Đề án này không hẳn là một gáo nước lạnh dội vào ước mơ thi đỗ đại học của bao người, càng không vẽ ra nghịch lí: học cao để được... xuất khẩu lao động như cách dân mạng mỉa mai. Nó chỉ nhắc nhở các em học sinh cần suy nghĩ thật kỹ trước khi bước chân vào giảng đường đại học; khuyên các em và gia đình đừng tốn kém bao nhiêu tiền của cho bằng cấp này, chứng chỉ nọ chỉ để bằng bạn bằng bè hay chụp ảnh post lên “phây”.
Và đây rõ ràng là một cơ hội nghề nghiệp mà chú cần phải nắm bắt kịp thời. “Xuất khẩu lao động” không đáng sợ, đáng xấu hổ như chú nghĩ; có “trình độ chuyên môn kỹ thuật” mà vẫn phải đi làm việc ở nước ngoài theo diện lao động phổ thông thì mới đáng xấu hổ, nghe không?
Ký tên
Anh Tư