Theo khoản 2 Điều 15 Luật Báo chí, báo chí phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Cạnh đó, nếu cá nhân hay cơ quan, tổ chức cho rằng báo đăng sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, gây thiệt hại về tài sản thì họ có quyền khởi kiện báo chí ra tòa để yêu cầu bồi thường theo Điều 611 BLDS.
Ngoài ra, nếu nhà báo cố tình đưa thông tin sai sự thật thì tùy động cơ, tính chất, mức độ, hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…
Tòa cũng đòi phạt báo chí
Trên thực tế, việc báo chí có sơ sót, sau đó phải cải chính theo Luật Báo chí không hiếm. Việc báo chí bị kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự cũng không ít và cũng từng có những nhà báo đã bị xử lý hình sự vì thông tin sai sự thật.
Sắp tới, nếu dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND do TAND Tối cao soạn thảo được thông qua, báo chí nếu đăng thông tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa thì sẽ bị tòa phạt.
Các phóng viên tác nghiệp tại phiên xử lưu động vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ
vào tháng 2-2008 tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: T.TÙNG
Cụ thể, khoản 1 Điều 25 dự thảo pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa án. Khoản 2 Điều 25 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi quy định tại khoản 1 điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 dự thảo pháp lệnh (có tổ chức, tái phạm…) hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm.
Theo Điều 27 dự thảo pháp lệnh, người có thẩm quyền xử phạt báo chí theo Điều 25 là thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Nếu phạt tiền thì thẩm phán chỉ được phạt đến 1 triệu đồng, riêng thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, còn có những người khác có thẩm quyền xử phạt báo chí đăng thông tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa như chánh án TAND các cấp, chánh tòa tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh, chánh tòa tòa chuyên trách TAND Tối cao, chánh tòa Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao.
Không phải chuyện của tòa
Luật sư Nguyễn Trọng Tuệ (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận xét: “Nhà báo hoạt động nghề nghiệp theo Luật Báo chí, nếu phản ánh thông tin sai thì đã có pháp luật về báo chí, dân sự, hình sự điều chỉnh, hà cớ gì ngành tòa án lại cho mình cái quyền xử phạt báo chí?”.
Cạnh đó, theo luật sư Tuệ, hiện nay hoạt động xét xử của các tòa vẫn còn để xảy ra oan, sai, vi phạm tố tụng, thậm chí vi phạm cả luật nội dung, nhiều bản án còn bị hủy tới hủy lui… Vậy căn cứ vào đâu để tòa đánh giá báo chí thông tin về việc giải quyết vụ việc của tòa là sai sự thật?
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) khẳng định “việc chế tài đối với báo chí đăng thông tin sai sự thật cần phải áp dụng theo luật chuyên ngành”.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) phân tích thêm: Nghị định 02 ngày 6-1-2011 của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) cũng đã có những chế tài chi tiết cho hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức (trong đó có tòa). Do đó, việc dự thảo pháp lệnh đưa thêm chế tài với báo chí là không cần thiết và chồng chéo về cả nội dung lẫn thẩm quyền với các văn bản pháp luật khác.
Nhiều điều cần làm rõ Thẩm quyền xử phạt của tòa đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20-6-2012 (có hiệu lực từ 1-7-2013, riêng phần xử phạt của tòa sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014). Do vậy, nếu Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND có nội dung này thì cần làm rõ căn cứ và thẩm quyền xử phạt như thế nào. Song song đó, cũng cần nêu rõ tiêu chí nào, dựa vào đâu để xử phạt. Nếu các cơ quan báo chí không đồng ý với quyết định xử phạt thì có thể khởi kiện tòa hay không… Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao Mức phạt hiện hành Theo Nghị định 02/2011 của Chính phủ, nếu báo chí thông tin sai sự thật nhưng chưa nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Nếu thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước thẻ nhà báo… Cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi… |
Theo Thanh Tùng - Phan Thương (Pháp luật Tp HCM)