“Khốn khổ” đôi lúc là thật mà cũng đôi lúc là giả. “Khốn khổ giả” khi mà cả tháng lương không đủ mua một chiếc túi hiệu đã thích từ lâu, nhưng vẫn có quần áo thơm tho mặc mỗi ngày và cơm no ba bữa. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến những người “khốn khổ thật”.
Trải qua cái tuổi đi học dài đằng đẵng như bộ truyện Tây Du Ký thì tôi cũng vấp ngã vào cái tuổi không biết rằng mình là ai trong cái xã hội vật chất và chạy nhanh như chớp này. Tôi là ai? Tôi đang làm gì ở đây thế này?
Chúng ta trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của những người chơi vơi, chúng ta xa quê, xa những buổi chiều mà con đường chỉ có ba điểm đến: Nhà, trường và lớp học thêm, xa bố mẹ và lũ trẻ con hàng xóm nữa… để chạy lên thành phố, nơi đất khách quê người hoa lệ mà nay được nói một câu dài, hoa cho người giàu và lệ cho kẻ nghèo.
Rồi ở đây ta gặp rất nhiều người, chúng ta có nhiều mối quan hệ: bạn bè, công việc và cả tình yêu nữa.
Bạn bè - có người chỉ là xã giao, nhưng có người lại là tri kỉ. Có người chỉ đi qua, nhưng có người ở lại bên ta giúp ta những lúc khó khăn và chia sẻ cùng chúng ta cả niềm vui, nỗi buồn.
Ngày tốt nghiệp đại học, cô giáo bộ môn môn học cuối cùng của tôi từng nói: “Ra trường rồi phải tìm được công việc ưa thích, và cưới người mình yêu”. Không phải ai cũng tìm được công việc mình ưa thích, có những người vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà chấp nhận làm những việc chẳng liên quan gì đến đam mê, đến ngành học hay khả năng của bản thân. Ai mà không muốn một công việc mình ưa thích nhưng “hoá đơn giết chết ước mơ của tất cả chúng ta”.
Giữa đam mê và bát cơm, chẳng mấy người còn đủ dũng khí chọn đam mê “ôm” cái bụng đói. Liệu có phải tất cả đang tự áp lực lên bản thân mình để có cuộc sống tốt, hay đơn giản là họ chỉ không thể hài lòng với những gì mình đang có mà đặt gánh nặng đó lên đôi vai?
Năm 20 tuổi người ta sẽ nhìn vào trường đại học bạn đang học.
Năm 25 tuổi người ta sẽ nhìn vào công việc bạn đang làm, chiếc xe bạn đang đi.
Nhưng năm 30 tuổi thì họ chỉ nhìn xem bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
Làm gì có ai ở tuổi đó có thể bĩnh tĩnh được khi thấy bạn bè đồng trang lứa đều đã thành công và ổn định trong cuộc sống. Đứa thì có nhà lầu bố mẹ mua, đứa thì giỏi giang lương tháng mấy chục triệu, có đứa được sống đúng với đam mê ngày nào cũng tươi cười hạnh phúc dù dạ dày luôn cồn cào và túi thì rỗng tuếch.
Nhưng vẫn có những người như tôi sống trên đời này đấy. Tôi muốn có một công việc tốt nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Muốn báo hiếu bố mẹ nhưng lại chưa đủ khả năng. Muốn có một tình yêu đẹp và cuộc sống hạnh phúc nhưng lại chẳng thể đi đến đâu.
Một thời ai cũng mộng mơ với một mối tình ở Hà Nội.
Những buổi sáng chở nhau trên chiếc xe máy cọc cạch tới trường.
Những buổi chiều lang thang Hồ Tây, thì thầm với những đám mây về tương lai và những lời hứa của hai đứa.
Những tối về thao thức nằm nhớ nhau, nhắn tin cười một mình và bị cả lũ bạn trêu cười.
Tất cả như một giấc mơ không muốn bị đánh thức mà vẫn phải tỉnh dậy, thanh xuân là khoảng thời gian tươi đẹp nhưng cũng chứa vô số nỗi lòng. Ngoài kia, cả thế giới đang vật lộn chống chọi lại dịch bệnh covid với những nguy hiểm của chủng Delta và có thể còn của nhiều chủng nữa. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng nhịp thở. Oxy bỗng quý hơn vàng, mấy gói mỳ thôi đã khiến người nhận rưng rưng nước mắt.
Chưa bao giờ con đường trở về quê lại xa xôi đến thế, muốn được về nhà ăn cơm mẹ nấu, muốn được chành chọe với thằng em luôn rình cơ hội để trêu đùa bà chị, muốn được nghe mẹ mắng “ con gái gì mà hậu đậu”, muốn được nói “ mẹ ơi, con xin lỗi”…
Tự nhiên thấy mình thấm thía và đồng cảm với những lời tự sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến thế: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau… Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.
Ai mà chẳng còn cái gì đấy, chiếc giường ấm và còn những người yêu thương mình thật lòng. Cho dù áp lực hay chông chênh thì có sao, thời ông bà, bố mẹ ta cũng thế. Ai cũng trải qua và đều đang hạnh phúc với cuộc sống hiện tại đấy thôi.
Trân Châu
* Bài viết của độc giả gửi cho Người Đưa Tin.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được những bài viết, chia sẻ của quý bạn đọc qua hộp thư điện tử: toasoan@nguoiduatin.vn