Khán giả đang "phát cuồng" với Mr. Cần Trô, anh thì sao, có hài lòng với những gì mình đã thể hiện?
Nghị rất hài lòng với vai Mr. Cần Trô (cười). Thực tế, đây chỉ là vai diễn nhỏ nhưng lại tạo được hiệu ứng lớn như vậy thì chẳng còn điều gì vui hơn. Cuộc sống của Nghị đã thay đổi khá nhiều sau khi Mr. Cần Trô được khán giả yêu thích. Nghị bận rộn hơn và được chạm đến sự áp lực (cười). Áp lực vì quá bận rộn. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Nghị được bận rộn như lúc này.
Tuy nhiên, được khán giả yêu mến cũng là áp lực với bản thân Nghị. Nghị hiểu rằng, mình phải sống và làm việc có trách nhiệm để không phụ lòng khán giả.
Người ta hay nói, nổi tiếng nhờ một vai diễn có thể sẽ khiến diễn viên trở nên chảnh chọe, đôi khi lạc lối trong ánh hào quang nhưng Nghị sẽ không để mình như vậy. Bản thân Nghị cũng rất sợ nhưng tin tưởng bản thân sẽ không lạc lối, bởi Nghị ý thức rất rõ trách nhiệm, vai trò và công việc của mình.
Mr. Cần Trô đã giúp Xuân Nghị được khán giả yêu mến và trở thành nhân vật được săn đón. Anh có sợ, mình sẽ bị “chết vai”?
Nghị không sợ điều đó. Nhân vật cảnh sát giao thông Đức trở nên hấp dẫn hơn chính là nhờ giọng Phú Yên đặc trưng. Thực tế, đây không phải giọng thật của mình. Ngay từ khi mới bước vào nghề Nghị cũng đã lựa chọn con đường lao động nghệ thuật chân chính. Thế nên, trước mỗi vai diễn mới, Nghị sẽ nỗ lực hết mình, sẽ nghiên cứu kỹ nhân vật để xác định màu sắc riêng. Đó chính là lý do, Nghị không sợ mình sẽ “chết vai”.
Tạo màu sắc riêng cho nhân vật! Nói thì dễ nhưng làm chẳng dễ đâu. Anh sẽ làm gì để mỗi nhân vật có màu sắc riêng?
Nghị sẽ phân tích nhân vật ở nhiều góc cạnh, nghề nghiệp, tình cách, cuộc sống, môi trường sống,... để tìm ra nét riêng. Khi đã xác định được nét riêng, Nghị sẽ thêm vào đó những mảng màu riêng để tạo ấn tượng cho nhân vật, Mr. Cần Trô là một ví dụ như thế.
Được biết, Nghị chính là người đã đề xuất đạo diễn cho cảnh sát giao thông Đức nói tiếng Phú Yên, tại sao anh lại có ý tưởng này?
Thông thường vai cảnh sát thường khô cứng và rất nghiêm túc, nếu Nghị diễn theo mô tuýp ấy thì nhân vật sẽ thiếu màu sắc. Đó chính là lý do, Nghị đề xuất với đạo diễn để nhân vật nói giọng Phú Yên. Chất giọng này sẽ giúp cảnh sát Đức trở nên thú vị hơn. Kết quả cho thấy, suy nghĩ của Nghị hoàn toàn chính xác.
Mr.Cần Trô là người khá cứng nhắc, còn Xuân Nghị thì sao?
Thực tế, Xuân Nghị là người khá trầm tính, thuộc tuýp người nhè nhẹ chứ không tung tăng lắm đâu (cười). Tuy nhiên, khi bắt đúng “tần sóng” hoặc gặp ai hợp gu thì nói suốt ngày.
Có vẻ như thành công đến với anh rất dễ dàng?
Không, không dễ dàng chút nào. Với những ai đã theo dõi Nghị từ những ngày mới bước vào nghề cho đến bây giờ sẽ thấy, để được khán giả biết như ngày hôm nay Nghị phải nỗ lực rất nhiều. Đó là một hành trình nhiều gian nan, vất vả. Trên con đường ấy, Nghị đã phải đổ mồ hôi, bước qua nhiều khó khăn để có thể cháy hết mình với nghệ thuật và gắn bó với khán giả đến lúc này.
Nghị đã có 8 năm gắn bó với nghề và ở những ngày đầu, Nghị phải chịu đựng đủ mọi khó khăn từ chuyện bị soi mói đến việc bị ăn chặn tiền cát-xê. Nghị còn nhớ, giai đoạn mới ra trường, khi đó Nghị chỉ được đảm nhận vai quần chúng, dù tiền cát-xê nhà sản xuất trả là 150 ngàn nhưng mình chỉ nhận được 100 ngàn, 50 ngàn bị người ta ăn chặn. 100 ngàn cho một đại cảnh, nghĩa là nó có thể kéo dài đến 1 ngày đó.
Nghị chưa bị bắt nạt bao giờ nhưng soi mói thì khá nhiều ví dụ như, khi mình là diễn viên mới nhưng vai của mình ấn tượng và được khán giả thích thì nhiều khi những người nổi tiếng hơn sẽ khó chịu. Họ tìm cách bới móc để kiếm lỗi và điều này thực sự tạo nên áp lực rất lớn cho những diễn viên mới vào nghề.
Có phải anh đang nói đến Mr.Cần Trô trong Ngày ấy mình đã yêu?
Không, hoàn toàn không. Trong bộ phim Ngày ấy mình đã yêu, Nghị được đối xử rất tốt, không có vấn đề gì cả. Mọi người đều rất hòa đồng, thân ái.
Anh từng nói, Xuân Nghị muốn sống theo phương châm Chân -Thiện- Mỹ. Nói thật nhé, nói dễ nhưng làm được mới khó. Xuân Nghị định làm gì để đạt được mục tiêu đã đặt ra?
Khi bước chân vào showbiz, thế giới của ánh đèn màu, sự hào nhoáng Nghị đã chọn cho mình cách sống chân thật, cách lao động nghiêm túc. Nghị sống chân thành với những người xung quanh, hướng đến sự duy mỹ và chọn cách đi lên bằng chính đôi chân của mình. Nghị cũng hiểu con đường mình đi sẽ rất khó khăn, nhưng Nghị kiên định với con đường này và sẽ nỗ lực hết mình để bước đi vững chắc trên con đường ấy.
Nỗi đau mà Xuân Nghị không thể quên?
Nghị chẳng thể quên được nỗi đau mất đi người anh trai trong những ngày thơ bé. Khi ấy Nghị mới chỉ là cậu bé 6 tuổi, còn anh trai khoảng 9 hay 10 tuổi gì đó. Anh bị bệnh ung thư não và bố mẹ phải đưa anh đi Hà Nội để chữa trị. Ngày ấy, Nghị còn bé, không hiểu chuyện nên rất ghen tỵ với anh trai. Sau khi điều trị 1 tháng, anh trở về nhà, nhưng vì giận anh, giận ba mẹ nên Nghị không nói với anh trai một tiếng nào. Phải đến khi anh ốm rất nặng thì Nghị mới lại gần anh nhưng lúc đó muộn rồi, bởi chỉ vài ngày sau là anh ra đi.
Anh ra đi, cả nhà đều rất buồn, cả nhà chuyển vào Nha Trang sinh sống để quên đi nỗi đau mất mát. Càng lớn Nghị càng thấm thía nỗi đau đó. Giờ đây, Nghị sẽ gánh thêm trách nhiệm của anh trai để chăm lo cho cha mẹ. Nỗi đau mất mát này cũng giúp Nghị trân quý cuộc sống hơn.