Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 4/4 trình bày kế hoạch tái cơ cấu các lực lượng vũ trang của quốc gia Tây Âu – một thành viên chủ chốt của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại cuộc họp báo được phát trực tiếp, ông Pistorius cho biết, khả năng phòng thủ của Bundeswehr (Các lực lượng vũ trang Đức hay Quân đội Đức) sẽ được tăng cường nhờ một bộ chỉ huy tác chiến thống nhất. Ngoài ra, Bundeswehr sẽ được tổ chức lại thành 4 nhánh với bộ chỉ huy hỗ trợ chung.
“Mục tiêu là tái cơ cấu theo cách để Bundeswehr có vị trí tối ưu ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp phòng thủ, trong trường hợp chiến tranh”, Bộ trưởng Pistorius nói.
Sau khi tái cơ cấu, Quân đội Đức sẽ bao gồm Lục quân, Hải quân và Không quân – các lực lượng truyền thống, và một nhánh mới gọi là lực lượng Không gian Thông tin và Mạng (CIR), chịu trách nhiệm xử lý các mối đe dọa hỗn hợp (hybrid) cũng như các nhiệm vụ chiến thuật như tác chiến điện tử.
“Các mối đe dọa ở châu Âu đã gia tăng. Với bước đi này, chúng tôi muốn nói rõ rằng: Chớ ai nghĩ đến việc tấn công chúng ta với tư cách lãnh thổ NATO”, ông Pistorius nhấn mạnh.
Vị quan chức Đức mô tả kế hoạch của mình là “Bundeswehr của kỷ nguyên mới”, cho biết thêm rằng những quyết định quan trọng nhất về “cuộc đại tu” này sẽ được thực hiện “trong vài tháng tới”.
Trước đó, cơ cấu chỉ huy của Bundeswehr được phân chia giữa Bộ chỉ huy tác chiến ở Schwielowsee gần Potsdam để lập kế hoạch và kiểm soát các phái đoàn nước ngoài, và Bộ chỉ huy lãnh thổ cho phòng thủ quốc gia ở Berlin. Cấu trúc kép này bây giờ sẽ được hợp nhất.
Ông Pistorius cũng tiết lộ rằng ông đang cân nhắc liệu có nên tái áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Đức, vốn đã được đình chỉ vào năm 2011.
Vị Bộ trưởng Đức đang xem xét mô hình mà các nước Bắc Âu đang áp dụng. Ví dụ, ở Thụy Điển, nghĩa vụ quân sự bắt buộc hiện áp dụng cho cả nam và nữ, và mỗi lính nghĩa vụ dự kiến sẽ phải tại ngũ trong thời gian 9-12 tháng.
Tuy nhiên, những người trẻ tuổi được tuyển mộ chủ yếu dựa trên tinh thần sẵn lòng phục vụ đất nước. Điều này có nghĩa là việc tuyển dụng trên thực tế là tự nguyện.
Đức đặt mục tiêu tuyển mộ 203.000 binh sĩ vào năm 2031, nhưng đang gặp khó khăn trong việc thu hút tân binh. Theo Bundeswehr, tổng số quân nhân đã giảm xuống còn 183.050 vào cuối năm 2022, từ mức 183.725 vào năm 2021.
Minh Đức (Theo Anadolu, Politico EU)