Đức đối mặt nguy cơ thiếu hụt năng lượng do giá cả leo thang

Đức đối mặt nguy cơ thiếu hụt năng lượng do giá cả leo thang

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 05/07/2022 07:00

Đức có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong những tháng tới nếu đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 không nối lại hoạt động.

Theo bài phỏng vấn đăng trên tạp chí WirtschaftsWoche ngày 4/7, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức (Bundesnetzagentur) Klaus Mueller cảnh báo khoản tín dụng trị giá 15 tỷ euro (15,64 tỷ USD) của chính phủ dùng để mua khí đốt là không đủ. Khoản tiền trên có thể không đủ để Đức tích trữ khí đốt cho mùa đông khi việc thiếu hụt nguồn cung có nguy cơ đẩy giá lên cao hơn.

Theo ông Mueller, khi giá khí đốt càng tăng, thì các mục tiêu tích trữ khí đốt vào tháng 10 và tháng 11 tới càng đắt đỏ hơn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong những tháng tới, nếu đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 không nối lại hoạt động sau khi tạm ngừng vận hành do công tác bảo trì trong tháng 7. Đường ống này dự kiến sẽ tạm ngừng vận hành để bảo trì hàng năm trong khoảng thời gian 10 ngày, từ ngày 11-21/7.

Đức đã đặt mục tiêu lấp đầy lượng khí đốt trong kho lên mức 80% và 90% lần lượt vào tháng 10 và tháng 11 tới. Hiện lượng khí đốt trong kho ở mức khoảng 61%.

Ngày 2/7 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức Robert Habeck cảnh báo, nước này có thể sẽ phải đối mặt với khả năng Nga tiếp tục trì hoãn việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 sau thời gian ngừng hoạt động để bảo dưỡng theo kế hoạch trong tháng này. Theo Bộ trưởng Habeck, việc thiếu khí đốt từ Dòng chảy Phương Bắc 1 có thể dẫn đến bùng nổ giá cả tại một số nhà cung cấp dịch vụ thành phố. 

Trước đó, ông Habeck cũng từng bày tỏ lo ngại Đức có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng hơn so với cú sốc dầu mỏ năm 1973.

Quan chức này cho rằng tình trạng thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng là nguyên nhân chính và kịch bản xấu nhất có thể diễn ra vào mùa đông tới, khi nhiều nhà máy có thể phải đóng cửa, công nhân mất việc làm, người dân khó chi trả tiền khí đốt sưởi ấm.

"Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ, người dân sẽ nghèo đi và nỗi giận dữ sẽ bao trùm cả đất nước", ông Habeck nói.

Bộ trưởng Habeck nhận định đà tăng giá tiêu dùng ở Đức vẫn chưa kết thúc, chi phí năng lượng sẽ chỉ "tăng dần lên". "Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng hơn", ông nói và cho rằng Đức đang ở tình cảnh chưa từng thấy do "khủng hoảng khí đốt".

Ông cũng cảnh báo nếu nguồn cung khí đốt Nga vẫn ở mức thấp như hiện nay, Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng, có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi OPEC quyết định ngừng bán dầu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, nhằm trừng phạt nhóm này vì đã ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với liên quân Ai Cập - Syria.

"Mùa đông phía trước chắc chắn sẽ đầy khó khăn, một số ngành sản xuất sẽ phải đóng cửa. Đó sẽ là thảm họa với nhiều ngành công nghiệp trong thời gian dài, thay vì chỉ vài ngày hay vài tuần", ông Habeck nhấn mạnh.

Đầu tháng 6, lượng khí đốt của Nga đến Đức qua đường ống Nord Stream 1 dưới biển đã bị cắt giảm tới 60% do các vấn đề kỹ thuật phát sinh từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn "báo động" thứ hai của kế hoạch khẩn cấp khí đốt ba cấp độ vào ngày 23/6. Kế hoạch đã được chuẩn bị để tránh sự gián đoạn có thể xảy ra đối với nguồn cung cấp khí đốt. Berlin đã cảnh báo về tình trạng thiếu nhiên liệu trong bối cảnh nguồn cung từ Nga đang giảm dần.

Trong khi Berlin coi quyết định của Gazprom mang động cơ "chính trị", thì Moscow lập luận rằng tập đoàn năng lượng Nga không thể duy trì dòng khí một cách an toàn nếu không có tuabin đã được công ty Đức Siemens Energy gửi đến Canada để bảo trì, nhưng vẫn chưa được trả lại, do các lệnh trừng phạt kinh tế của Canada đối với Nga.

Trong khi đó, Chính phủ Canada cho biết đang tìm cách khắc phục sự cố. “Mục đích của các lệnh trừng phạt là không bao giờ gây ra đau đớn cho Đức, một trong những người bạn và đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi”, Bộ trưởng Tài nguyên Canada Jonathan Wilkinson nói với Bloomberg.

Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức thông báo sẽ làm việc để giảm mức tiêu thụ khí đốt của các nhà sản xuất nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp đang diễn ra. Quốc gia này lo ngại về dự trữ khí đốt cho mùa đông tới.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Lao Động)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.