Theo đó, các nhà phân phối điện sẽ được yêu cầu cấp cho các hộ gia đình một hạn mức điện nhất định, với giá chiết khấu trên mỗi kWh. Các công ty này cũng phải có kế hoạch tương tự dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Reuters đưa tin.
Mục tiêu của kế hoạch là tách giá điện khỏi giá khí đốt, vốn đã tăng vọt kể từ cuộc xung đột tại Ukraine do lượng khí đốt nhập khẩu của Nga sang Đức giảm mạnh.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, mới đây “gã khổng lồ” khí đốt Đức Uniper đã yêu cầu thêm viện trợ của chính phủ để bù đắp thiệt hại ngày càng tăng vì phải thay thế khí đốt Nga.
Giám đốc điều hành Klaus-Dieter Maubach của Uniper thừa nhận, hãng đã phải vật lộn để thay thế nguồn cung khí đốt bị thiếu của Nga khiến khoản lỗ của công ty ngày càng lớn. Ông cảnh báo rằng công ty cũng có thể cạn kiệt nguồn tiền do Berlin cung cấp dưới dạng một gói viện trợ vào cuối tháng này.
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm - mà Moscow đổ lỗi cho các vấn đề kỹ thuật và các lệnh trừng phạt của phương Tây - Uniper đã phải thay thế khối lượng còn thiếu bằng cách mua khí đốt với giá cao trên thị trường giao ngay và bán cho khách hàng của mình với giá dài hạn rẻ hơn. Kết quả là công ty đã báo cáo khoản lỗ hơn 12 tỷ euro (12 tỷ USD) - khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức - vào đầu tháng 7.
Chính phủ đã bù đắp cho khoản lỗ của công ty bằng cách mua lại 30% cổ phần của Uniper và cung cấp gói viện trợ bổ sung 7,7 tỷ euro (7,7 tỷ USD) để giúp công ty cầm cự cho đến quý 4/2022. Giờ đây, Uniper thừa nhận số tiền viện trợ này sẽ không đủ.
Chắc chắn công ty sẽ dùng hết số viện trợ đó sớm hơn - Reuters dẫn lời ông Maubach nói với các nhà báo bên lề hội nghị Gastech ở Milan. “Nhiều khả năng chúng tôi sẽ hết tiền vào tháng 9”, ông nói thêm.
Theo Bloomberg, thỏa thuận với chính phủ có thể giúp Uniper nhận được tới 20 tỉ euro để ngăn chặn sự sụp đổ của công ty và hiệu ứng domino tiềm tàng trong lĩnh vực năng lượng quốc gia. Ngoài ra, công ty sắp nhận được một khoản tín dụng bổ sung từ ngân hàng KfW thuộc sở hữu nhà nước, vốn đã được phê duyệt trong tuần này. Uniper sẽ nhận được 4 tỷ euro ngoài hạn mức tín dụng trị giá 9 tỷ euro mà hãng đã sử dụng, theo nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức.
Tuy vậy, ông Maubach cho biết, tương lai không mấy sáng sủa đối với gã khổng lồ khí đốt của Đức: “Tôi đã nói điều này nhiều lần trong năm nay và tôi cũng đang chỉ rõ cho các nhà hoạch định chính sách. Hãy nhìn xem, điều tồi tệ nhất vẫn sẽ đến. Những gì chúng tôi thấy trên thị trường bán buôn là giá cả cao gấp 20 lần mức giá hai năm trước”, ông Maubach nói với CNBC.
Trong khi đó, ngày 4/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, nước này sẽ có đủ năng lượng cho tới năm 2023.
Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Đức đưa ra sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 1". Thủ tướng Scholz cho hay, Chính phủ Đức đã đưa ra "những quyết định kịp thời" để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng vào mùa Đông, trong đó có việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và tái khởi động các nhà máy điện than. Ông bày tỏ lạc quan: "Chúng tôi sẽ vượt qua mùa Đông này".
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Lao Động)