Đức mới đây đã công bố các biện pháp mới nhằm tăng mức dự trữ khí đốt chuẩn bị cho mùa đông. Nước này quan ngại Nga có thể giảm hoặc thậm chí ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu xảy ra vào cuối tháng 2, Đức vốn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt từ Moscow đang cố gắng loại bỏ dần năng lượng của Nga.
Bộ Kinh tế Đức, cơ quan phụ trách an ninh cung cấp năng lượng cho nền kinh tế lớn hàng đầu châu Âu, cho biết các biện pháp mới nhất sẽ bao gồm việc tăng cường nhà máy nhiệt điện than cũng như khuyến khích ngành công nghiệp tiêu thụ ít hơn.
Biện pháp mới cũng bao gồm 15 tỷ Euro (15,8 tỷ USD) hạn mức tín dụng cho nhà điều hành thị trường khí đốt của Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết (KfW), để nhanh chóng lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố: "Tình hình căng thẳng và giá cả tăng cao là hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột tại Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bên cạnh đó, chiến lược của Tổng thống Putin rõ ràng nhằm khiến chúng tôi bất an, tăng giá và chia rẽ chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra".
Trong tuần này, Tập đoàn khí đốt khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát Gazprom đã cắt giảm 60% lưu lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Hãng giải thích nguyên nhân rằng cần sửa chữa, bảo trì nhưng thiết bị dùng cho bảo trì đang bị giữ ở Canada bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định động thái của Gazprom có động cơ chính trị vì Nga phản đối các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine của Điện Kremlin.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng lên tiếng chỉ trích lý do cắt giảm nguồn cung của Gazprom. Ông cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đây là những lời nói dối. Trên thực tế, khí đốt đang được sử dụng về mặt chính trị".
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Qatar Tribune)