The Reuters đưa tin, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 15/8 thừa nhận, mô hình kinh tế của Đức nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2.
“Đức đã phát triển một mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga. Mô hình này đã thất bại và sẽ không quay trở lại", Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức Robert Habeck nói với báo giới ở Berlin ngày 15/8.
Bộ trưởng Đức cáo buộc Nga đã "tự ý" làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, Đức cần phải "giải cứu những công ty đã rơi vào khó khăn, đồng thời phải ứng phó với sự gián đoạn này với tư cách là nền kinh tế quốc gia”.
Ông Habeck gọi đây là “liều thuốc đắng phải uống” khi công bố thuế đặc biệt với khí đốt nhằm phân bổ lại tác động của việc thiếu hụt năng lượng giữa các công ty và người dân nói chung.
“Thuế này là cách thức công bằng nhất có thể để phân phối và chịu các chi phí bổ sung đã tăng lên trong người dân", ông Habeck nói.
Theo vị Bộ trưởng, nếu Đức không đánh thuế, thị trường năng lượng nước này sẽ có nguy cơ sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của thị trường năng lượng châu Âu.
Ngày 15/8, một hiệp hội các nhà khai thác đường ống dẫn khí đốt đã quyết định áp thuế 2,4 cent cho mỗi kilowatt giờ, sẽ có hiệu lực vào tháng 10 và kéo dài đến tháng 4/2023. Theo ước tính của Reuters, mỗi hộ gia đình ở Đức sẽ chịu khoảng 500 euro (508 USD) mỗi năm cho mức thuế này.
Bộ trưởng Habeck cho biết, đến nay đã có 12 nhà nhập khẩu khí đốt nộp đơn xin cứu trợ và sẽ nhận được khoảng 34 tỉ euro (34,7 tỉ USD) tiền cứu trợ, tức khoảng 90% khoản thuế bổ sung thu được.
Giới chuyên gia cảnh báo, biện pháp thuế của Berlin có thể đẩy lạm phát tại Đức gia tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức khẳng định, “Tất cả các biện pháp đều có hậu quả và một số biện pháp trong số đó cũng bị áp đặt" nhưng sẽ giúp Đức độc lập với năng lượng Nga cũng như có thể hành động một cách có chủ quyền về chính sách đối ngoại và an ninh.
Những tuần qua, Châu Âu đã kích hoạt hàng loạt biện pháp nhằm chống đỡ trước cuộc khủng hoảng năng lượng sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt giá rẻ từ Nga. Gần đây nhất, EU đã chấp nhận kế hoạch tự nguyện "thắt lưng buộc bụng" khí đốt để có đủ nhiên liệu sử dụng cho mùa đông sắp tới gần.
Tại Đức, chính phủ nước này cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị cho một mùa đông thiếu năng lượng, ví dụ tất cả các công trình công cộng, ngoại trừ bệnh viện và các cơ sở xã hội, sẽ không được bật máy sưởi quá 19 độ C. Trước đó, nhà chức trách Đức đã tuyên bố sẽ cấm các bể bơi công cộng bật hệ thống sưởi cũng như yêu cầu các tòa nhà và đài tưởng niệm không bật đèn trang trí suốt đêm.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Lao Động)