Tài liệu mà cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ Mỹ theo dõi các cuộc điện thoại và truy cập Internet của người dân, gây ra sự phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Tranh cãi bùng phát khi xuất hiện các cáo buộc tổng thống Brazil và Mexico nằm trong số những người bị theo dõi.
Tuần này, vụ việc mở rộng sang châu Âu với cáo buộc rằng điện thoại của Thủ tướng Đức Merkel bị theo dõi, khiến Berlin phải triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối. Đây là hành động hiếm thấy trong quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết.
"Các đại diện cấp cao của chính phủ Đức sẽ nhanh chóng tới Mỹ để thúc đẩy thảo luận với Nhà Trắng và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) về các cáo buộc xuất hiện trong thời gian gần đây", AFP dẫn lời Georg Streiter, phó phát ngôn viên của thủ tướng, nói.
Truyền thông Đức dẫn các nguồn tin thân cận với giới tình báo nước này cho biết phái đoàn sẽ bao gồm các quan chức cấp cao của lực lượng tình báo Đức.
Trong khi đó, hàng nghìn người Mỹ tập trung ở trung tâm Washington để kêu gọi luật mới nhằm kiềm chế các hoạt động của NSA và cải thiện hệ thống bảo mật.
"Không chỉ người Mỹ là mục tiêu của mẻ lưới này. Chúng ta cần đứng lên vì cả những nước khác trên thế giới", Craig Aaron, chủ tịch nhóm vận động công nghệ và truyền thông Tự do Báo chí nói với đám đông và giơ biểu ngữ "Hãy ngừng theo dõi chúng tôi".
Thủ tướng Đức Merkel hôm 23/10 gọi diện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và nói rằng việc theo dõi nước đồng minh là sự "xâm phạm lòng tin" giữa các đối tác quốc tế.
"Theo dõi những nước bạn của mình, đó là điều không thể chấp nhận được", bà Merkel phát biểu trước khi tới dự Hội nghị thượng đỉnh châu Âu. Cuộc họp của EU sau đó dành phần lớn thời gian để thảo luận về việc đối phó với cáo buộc nghe lén của Mỹ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã đề xuất một thỏa thuận mới với Washington về việc thu thập thông tin tình báo trong đó duy trì mối liên hệ cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, 28 nhà lãnh đạo cảnh bảo Mỹ phải xây dựng mối quan hệ với châu Âu dựa trên "sự tôn trọng và lòng tin".
Đức và Brazil cũng đang chuẩn bị cho một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó nhấn mạnh cộng đồng quốc tế tức giận trước việc Mỹ rình mò dữ liệu của các nước khác, các nhà ngoại giao tại LHQ cho hay. Nghị quyết có thể không nhắc đến Mỹ nhưng kêu gọi mở rộng Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị cho các hoạt động trên Internet.
"Mục đích là gửi một thông điệp tới những người lạm dụng hệ thống. Đây là vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ", một nhà ngoại giao nói.
Tuy nhiên, một số người cảnh báo việc các tài liệu mật bị rò rỉ, ngoài việc khiến mối quan hệ giữa các nước bị rạn nứt, sẽ gây trở ngại cho cuộc chiến chống khủng bố.
"Những điều Edward Snowden tiết lộ đặt nước Mỹ vào nguy cơ lớn hơn, vì những kẻ khủng bố cũng đọc được những tài liệu đó và sẽ cảnh giác và chúng ta sẽ không thu được những thông tin tình báo khác nữa", Michael Morrell, cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), lo ngại.
Theo VnExpress