Đức cam kết đầu tư 100 tỷ Euro (112,7 tỷ USD) để nâng cấp lực lượng vũ trang của nước này, và sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên trên 2% GDP, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết trong một phiên họp khẩn của Quốc hội Đức hôm 27/2 thảo luận về cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.
Nền kinh tế số 1 châu Âu hiện đang chi khoảng 1,5% GDP cho quốc phòng.
“Từ bây giờ, hàng năm, chúng ta sẽ đầu tư hơn 2% GDP cho quốc phòng”, Thủ tướng Scholz nói. Tuyên bố của ông nhận được tràng vỗ tay tán thưởng của các nhà lập pháp.
Rõ ràng là “chúng ta cần đầu tư nhiều hơn đáng kể vào an ninh của đất nước chúng ta, để bảo vệ tự do và nền dân chủ của chúng ta”, Thủ tướng Scholz cho biết.
Và điều này nghĩa là trong tương lai Đức sẽ tuân thủ mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.
Đức đã bị chỉ trích rộng rãi vì đầu tư quá ít ỏi cho quân đội quốc gia và phản ứng chậm chạp và mờ nhạt của họ trước các động thái tăng cường quân sự của Nga ở xung quanh, và gần nhất là cuộc tấn công quân sự vào Ukraine từ hôm 24/2.
Tuyên bố trên của Thủ tướng Scholz được đưa ra sau quyết định của Chính phủ Đức hôm 26/2 về việc gửi vũ khí và các vật phẩm khác trực tiếp đến Ukraine.
Ông Scholz cho biết hôm 26/2 rằng Đức sẽ gửi trực tiếp 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger tới Ukraine. Chính phủ của ông cũng đã loại bỏ một số hạn chế đối với việc đưa vũ khí do Đức sản xuất tới các khu vực xung đột, cho phép nhiều nước bên thứ ba gửi vũ khí tới Ukraine.
Động thái này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Đức được áp dụng kể từ khi Thế chiến II kết thúc, ngăn cản việc xuất khẩu vũ khí do Đức sản xuất tới các khu vực xung đột.
Riho Terras, một thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, đã viết trên Twitter về quyết định của Đức: “Thủ tướng @OlafScholz vừa đưa ra một tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ tại Hạ viện. Chi tiêu quân sự lên tới hơn 2% GDP, củng cố triệt để lực lượng vũ trang Đức, xây dựng các cảng nhập khẩu LNG mới để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.
Có khá nhiều tranh cãi xung quanh dự án đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt tới Đức từ Nga. Dự án chung giữa hai nước trị giá 11 tỷ USD sẽ tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức, đồng thời ràng buộc 2 bên với nhau về mặt kinh tế và sự phụ thuộc vào năng lượng. Sau quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi quân đến Ukraine, tuần trước, ông Scholz đã tuyên bố tạm dừng quá trình phê duyệt cấp phép cho Nord Stream 2.
Minh Đức (Theo CNBC, Politico)