Đức được cho là đang xem xét một thỏa thuận tiềm năng, trong đó Berlin sẽ cung cấp tên lửa hành trình tầm xa “lợi hại” nhất của mình cho Anh và Pháp, để London và Paris có thể chuyển giao các phiên bản vũ khí của họ cho Ukraine.
Thủ tướng Olaf Scholz đã ngần ngại gửi trực tiếp tên lửa phá boongke Taurus của Đức tới Ukraine vì ông lo ngại tên lửa của Đức – với tầm bắn hơn 500 km – có thể được sử dụng để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Nếu Đức cung cấp Taurus cho Anh và Pháp, điều đó nghĩa là 2 quốc gia này có thể chuyển thêm nhiều tên lửa Storm Shadow và SCALP hơn tới tiền tuyến. Storm Shadow và Scalp cũng là những loại tên lửa hành trình tầm xa, nhưng có tầm bắn ngắn hơn Taurus, chỉ vào khoảng 250 km.
Tên lửa Storm Shadow của Anh đã được các lực lượng Ukraine sử dụng nhiều lần, bao gồm cả trong cuộc tấn công gần đây vào trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga trên bán đảo Crimea.
Theo một người quen thuộc với thỏa thuận này, các cuộc đàm phán về kế hoạch trên – do Anh khởi xướng vài tuần trước – đang diễn ra, và vẫn còn một số vấn đề về kỹ thuật và hậu cần cần được giải quyết. Hãng thông tấn Đức DPA và tờ báo Handelsblatt đưa thông tin này đầu tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius được dẫn lời hôm 25/1 nói rằng ông không biết về bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy.
“Nếu có những cuộc đàm phán như vậy thì chúng không thuộc thẩm quyền của tôi”, ông Pistorius nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Bild, Welt TV và Politico. Nếu các quan chức trong Văn phòng Thủ tướng Đức đang thảo luận về kế hoạch này, họ sẽ phải xác định “liệu nó có khả thi hay không”, vị Bộ trưởng nói thêm.
Bộ Quốc phòng Anh không phủ nhận cũng không xác nhận kế hoạch này. “Vương quốc Anh và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Đức, tiếp tục hợp tác để trang bị cho Ukraine tốt nhất có thể để bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của nước này”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Bộ Quốc phòng Pháp từ chối xác nhận các cuộc đàm phán mà không nêu chi tiết, trong khi một quan chức trong Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không có cuộc đàm phán nào với Đức về bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Trong những tuần gần đây, ông Scholz liên tục kêu gọi các đồng minh châu Âu gửi thêm vũ khí cho Ukraine, lập luận rằng Đức đã đóng góp hơn một nửa trong tổng số viện trợ quân sự từ các nước thành viên EU dành cho Kiev.
“Tôi khá khó chịu khi liên tục phải đối mặt với những lời chỉ trích ở Đức rằng Chính phủ làm quá ít và quá do dự”, ông Scholz cho biết hôm 24/1 trong một cuộc phỏng vấn với tờ tuần báo Die Zeit. “Tuy nhiên, chúng tôi đang làm được nhiều hơn tất cả các quốc gia EU khác, nhiều hơn thế nữa”, ông bổ sung.
Rạn nứt trong Liên minh châu Âu xảy ra vào thời điểm hỗ trợ quốc tế dành cho Ukraine đang suy yếu dần, với hơn 100 tỷ USD tài trợ của Mỹ và EU bị trì hoãn do tranh cãi chính trị.
Dù chưa rõ Đức và Anh có đang đàm phán một thỏa thuận hoán đổi vũ khí như trên hay không, nhưng ông Marcus Faber, thành viên Ủy ban Quốc phòng tại Hạ viện Đức (Bundestag) đại diện cho Đảng Dân chủ Tự (FDP) – một đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz, đã chỉ trích thỏa thuận và gọi đây chỉ là “giải pháp tốt thứ hai cho Ukraine” chứ không phải là tốt nhất.
“Taurus chính xác hơn và tầm bắn của nó mang lại cho các phi công mà tôi đã nói chuyện một cách chắc chắn trước hệ thống phòng không của đối phương”, ông Faber cho biết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X/Twitter.
Taurus được sản xuất bởi MBDA Deutschland GmbH và SAAB AB của Thụy Điển, hiện đang được sử dụng bởi Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. MBDA cũng sản xuất Storm Shadow và SCALP.
Tên lửa Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp tương tự như tên lửa Taurus, nhưng tên lửa của Đức có một số tính năng tiên tiến, đây chính là điểm khiến người Đức tỏ ra do dự. Ví dụ, nó có đầu đạn MEPHISTO tinh tế hơn và tối ưu hóa mục tiêu hơn, có thể hiệu quả hơn trong việc xuyên thủng và phá vỡ các nhịp cầu.
Sự khác biệt rõ ràng giữa các tên lửa được tìm thấy ở động cơ của chúng. Taurus có động cơ phản lực cánh quạt hiện đại hơn Storm Shadow và SCALP, được trang bị động cơ phản lực. Hơn nữa, Taurus có phạm vi hoạt động rộng hơn nhờ thiết kế cánh quạt, đặc trưng là một quạt phía trước giúp truyền không khí qua lõi động cơ một cách hiệu quả.
Với tầm bắn chính thức hơn 500 km, các lực lượng Ukraine có thể tấn công các vị trí của Nga trên khắp Crimea và miền Đông Ukraine bằng tên lửa Taurus. Đây là điều mà Đức lo ngại, chủ yếu là do nước này nằm gần Nga so với các đồng minh. Một mối lo ngại khác đối với Đức là nếu chẳng may Taurus rơi vào tay người Nga, rất có thể họ sẽ tìm hiểu và tìm ra cách chống lại Taurus.
Minh Đức (Theo Bloomberg, EurAsian Times)