Dòng dầu từ Kazakhstan đến các thị trường châu Âu dự kiến sẽ tăng trong năm nay, theo sau một thỏa thuận đạt được hôm 20/6 giữa công ty dầu khí quốc doanh KazMunayGas (KMG) của Kazakhstan và Rosneft Deutschland hoạt động tại Đức.
Thỏa thuận vừa được ký kết liên quan đến việc công ty dầu khí quốc doanh của Kazakhstan cung cấp dầu cho Rosneft Deutschland GmbH – một công ty con của gã khổng lồ dầu mỏ quốc doanh Nga Rosneft PJSC, mà Đức đã nắm quyền kiểm soát từ tháng 9/2022.
Bước đi quan trọng
Với nguồn dầu bổ sung từ Kazakhstan, Rosneft Deutschland có thể tạm thời ổn định dòng chảy đến nhà máy lọc dầu PCK đặt tại thị trấn Schwedt (bang Brandenburg). Nằm cách Berlin 120 km về phía Đông Bắc, nhà máy lọc dầu này cung cấp nhiên liệu cho thủ đô nước Đức, phần lớn miền Đông nước Đức và miền Tây Ba Lan.
Kể từ khi nguồn cung dầu Nga cho nhà máy bị cắt giảm hồi đầu năm, PCK phải vận hành với công suất không quá 60% nhờ dòng dầu bổ sung chảy qua cảng Gdansk của Ba Lan và cảng Rostock của Đức. Thỏa thuận với KMG của Kazakhstan sẽ cho phép nhà máy Đức tăng thêm 10% công suất.
“Hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn của Kazakhstan là một bước quan trọng khác đối với nhà máy lọc dầu PCK”, ông Michael Kellner, Thứ trưởng Kinh tế Đức, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 20/6. “Điều đó cho thấy rằng chúng tôi có thể đảm bảo nguồn cung sản phẩm trong khu vực ngay cả khi không có dầu thô của Nga”.
Nhà sản xuất dầu của Kazakhstan không nêu rõ thời điểm bắt đầu giao hàng, nhưng cho biết họ đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 890.000 tấn dầu thô cho nhà máy lọc dầu của Đức trong năm nay. Việc từ đầu năm đến nay PCK đã nhận 190.000 tấn dầu từ đối tác Kazakhstan nghĩa là khối lượng hàng cam kết được giao thêm từ nay đến cuối năm sẽ là 700.000 tấn, và nghĩa là dòng chảy dầu từ Á sang Âu sẽ bắt đầu trong tháng 6 này, với khối lượng 100.000 tấn/tháng.
Có một thỏa thuận gia hạn việc giao hàng trên cho đến cuối năm 2024, Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết.
Để đạt được mục tiêu trên, dầu Kazakhstan sẽ được vận chuyển qua nhánh Bắc của đường ống Druzhba (Hữu Nghị) đi qua Nga, Belarus và Ba Lan trước khi đến đích ở Đức, theo một thỏa thuận với nhà điều hành đường ống dẫn dầu Transneft của Nga hồi đầu năm.
Druzhba nổi tiếng là một trong những đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới, vận chuyển dầu khoảng 4.000 km (2.500 dặm) từ phần phía Đông của nước Nga thuộc châu Âu đến các điểm ở Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Đức. Druzhba cũng phân nhánh thành nhiều đường ống để phân phối sản phẩm của mình trên khắp Đông Âu và hơn thế nữa.
Dòng dầu từ Á sang Âu
Nhiệm vụ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga đã được các nước châu Âu thúc đẩy kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Các nhà lãnh đạo EU đã thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm 2/3 nguồn cung dầu từ Nga cho khối này.
Việc nhập khẩu dầu Nga qua đường biển đã ngừng vào cuối năm 2022 và lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu tinh chế được áp dụng từ tháng 2/2023, nhưng 5 quốc gia thành viên – bao gồm Đức, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc – vẫn được phép tiếp tục nhận nguồn cung qua hệ thống đường ống Druzhba từ Nga.
Đức, trước đây là khách hàng lớn nhất mua dầu Nga thông qua Druzhba, đã quyết định tạm dừng các dòng chảy vào cuối năm 2022, trong khi Ba Lan thu hẹp quy mô nhận hàng từ Nga một cách mạnh mẽ. Điều đó tạo ra nhu cầu về các lựa chọn thay thế, nhưng các thu xếp hậu cần để mua đủ số lượng hàng hóa từ thị trường quốc tế là không hề đơn giản.
Trong bối cảnh đó quốc gia lớn nhất Trung Á đã nổi lên với tư cách là một nhân tố chủ chốt trong thị trường dầu mỏ châu Âu nhờ vị thế là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở khu vực Caspian, sau Nga và Iran.
Với hơn 70% lượng dầu xuất khẩu hướng tới EU, Kazakhstan đã trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba ngoài OPEC của khối. Ngoài ra, trong bối cảnh các lệnh cấm vận một phần và giá trần đối với dầu Nga, dòng chảy dầu Kazakhstan sang châu Âu được dự đoán sẽ tăng lên.
Kazakhstan hiện đang xuất khẩu 67 triệu tấn dầu hàng năm sang châu Âu thông qua Nga, chủ yếu thông qua Hiệp hội Đường ống Caspian (CPC) tới Novorossiysk, cho phép tiếp cận thị trường toàn cầu. Hơn 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan được vận chuyển qua CPC.
Minh Đức (Theo Caspian News, Bloomberg)