Giống như hàng triệu đồng bào của mình, bà Valentyna Vysotska, một thợ làm tóc, đã chạy trốn khỏi Ukraine để đến Đức khi Nga mở chiến dịch quân sự ở đó. Sau khóa học tiếng Đức cấp tốc kéo dài 10 tháng, bà đã tìm được việc làm tại một tiệm làm tóc ở Berlin.
“Tiếng Đức của tôi không tốt nhưng sếp tôi, đồng nghiệp và khách hàng đều rất thông cảm”, bà Vysotska, 54 tuổi, nói với hãng thông tấn Pháp AFP.
Theo quan điểm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, bà Vysotska là một ví dụ mà ông ước mình có thể nhìn thấy nhiều hơn. Trong số những người tị nạn Ukraine đến Đức trong 2 năm qua, chỉ có 170.000 người tìm được việc làm.
Chính ông Scholz gần đây đã thúc ép những người mới đến phải tự đứng trên đôi chân của mình thay vì dựa vào trợ cấp xã hội. Người đứng đầu Chính phủ Liên bang nói: “Chúng tôi đã cung cấp cho họ các lớp học hội nhập và tiếng Đức. Bây giờ họ phải tìm việc làm”.
Sự cấp bách được thúc đẩy không chỉ bởi lý do tài chính. Chi phí để chào đón những người mới đến chắc chắn là rất lớn – khoảng 5,5-6 tỷ euro (5,4-6,1 tỷ USD) đã được dành riêng cho người Ukraine trong năm nay.
Nhưng Đức cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng, trong khi người tị nạn Ukraine có thể làm được nhiều việc hơn. Và có một “mệnh lệnh chính trị” buộc chính phủ của ông Scholz phải đạt được nhiều câu chuyện thành công về hội nhập hơn.
Nhập cư và hội nhập là những chủ đề nóng bỏng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, trong đó phe cực hữu đưa ra lập luận rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hiện đang yếu kém, cần phải tự lo cho chính mình trước tiên.
Đáng chú ý là Đảng AfD cực hữu đã gia nhập Quốc hội Đức (Bundestag) vào năm 2017 sau sự phẫn nộ của quần chúng đối với làn sóng hàng triệu người Syria và Iraq tràn vào trong 2 năm trước đó, chính phủ của ông Scholz đã cảnh giác về điều gì có thể xảy ra nếu cơn thịnh nộ đó lặp lại.
Để xoa dịu những lập luận của phe cực hữu, Chính phủ Đức gần đây đã chuyển sang thắt chặt các quy định đối với người xin tị nạn. Trong số đó có việc giới thiệu một loại thẻ thanh toán mới, cung cấp các khoản hỗ trợ xã hội cho người tị nạn dưới dạng tín dụng chỉ có thể được sử dụng tại địa phương – một cách triệt để loại bỏ khả năng người di cư gửi tiền mặt về quê hương của họ.
Nhưng đối với người tị nạn Ukraine nói riêng, điểm mấu chốt trong chiến lược của chính phủ là đưa họ vào thị trường việc làm đang thiếu lao động trầm trọng.
Ví dụ, sếp của bà Vysotska là ông Civan Ucar nhớ lại cảm giác nhẹ nhõm khi tìm thấy người Ukraine, người có kinh nghiệm làm tóc 35 năm ở quê nhà, tại một hội chợ việc làm.
“Rất khó tìm được nhân sự có trình độ”, ông nói, chỉ vào dân số già của Đức. Ông Ucar nhún vai trước vấn đề kỹ năng tiếng Đức nghèo nàn của bà Vysotska, nói rằng nó chỉ có thể cải thiện khi bà ấy đi làm.
“Chúng tôi học tiếng Đức nhanh hơn khi làm việc vì chúng tôi buộc phải nói chuyện với đồng nghiệp của mình”, ông nói.
Nhưng ngôn ngữ chỉ là một trong nhiều trở ngại đối với người tìm việc ở Ukraine.
Ông Andreas Peikert, người điều hành một trung tâm việc làm ở Berlin, nói với nhật báo TAZ rằng những người Ukraine tìm nơi ẩn náu ở Đức chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhưng “chúng tôi có quá ít điểm mẫu giáo và trường học”.
“Nếu một người mẹ không thể chắc chắn về nơi mình có thể nhận dịch vụ chăm sóc trẻ em thì cô ấy sẽ không tìm việc làm”, ông Peikert chỉ ra.
Một nghiên cứu của Quỹ Friedrich Ebert cũng cho thấy, Đức đặt ra nhiều rào cản hành chính hơn nhiều so với các quốc gia như Ba Lan hay Hà Lan, nơi có khoảng 60-70% người Ukraine có việc làm.
Các chuyên gia phải có bằng cấp tương đương ở Đức để được phép hành nghề và phải nộp đơn xin cấp bằng để được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công nhận.
Trình độ tiếng Đức cao thường được yêu cầu đối với công việc văn phòng, về cơ bản loại trừ nhiều người mới đến gặp khó khăn khi học một ngôn ngữ mới từ đầu ở tuổi trưởng thành.
Để làm trơn tru quá trình này, Chính phủ Đức đang thúc đẩy các công ty lớn nới lỏng hơn với các yêu cầu về ngôn ngữ và cung cấp trợ giúp cho các nhân viên mới để cải thiện trình độ của họ.
Nhưng đồng thời, Chính phủ Đức cho biết những người mới đến cũng phải hạ thấp kỳ vọng của họ và thực hiện bước đi đầu tiên.
“Vấn đề không phải là tìm được công việc mơ ước của bạn mà là tham gia vào thị trường việc làm và sau đó từng bước leo lên các cấp bậc cao hơn”, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết.
Minh Đức (Theo AFP/Kyiv Post)