Đó có thể là niềm vui của các “ông lớn” nhưng điều này đồng nghĩa với việc môi trường của chúng ta đang và sẽ ngày càng đáng “khóc dở mếu dở”.
Những con số như gần 10000 đơn hàng mỗi ngày được đặt qua ứng dụng Now (theo nhà sáng lập Foody chia sẻ tháng 7/2018) hay 33 ly trà sữa được đặt mỗi phút qua ứng dụng GrabFood (thống kê năm 2018 của Grab) sẽ khiến con người đau đầu và rùng mình về môi trường trong tương lai.
Mỗi phút lại có số lượng lớn thức ăn được bọc trong túi nilon, hộp xốp, chai nhựa vận chuyển tới người dùng trong thời gian ngắn. Sau đó, chúng lại được thải ra môi trường chỉ sau thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Đồ dùng được lấy từ tự nhiên nhưng nó lại không theo chu kỳ tuần hoàn để bù đắp lại thiên nhiên mà đồ dùng xong là thải ra môi trường rồi chất đống ở đấy.
Chúng ta tiêu thụ thức ăn trong ít phút nhưng lại mất tới trăm năm để những túi đựng, chai nhựa được phân hủy. Sự đối nghịch rất đáng suy ngẫm. Bởi theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.
Tiêu dùng nhanh gọn, tiện lợi không xấu, nhưng nếu điều đó làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai thì lại là chuyện đáng bàn.
Tại Việt Nam, các dự án dùng ống hút tre hay túi giấy, túi vải đã xuất hiện nhưng độ phổ biến chưa rộng bởi chưa có hướng đi đúng và sự quan tâm của các công ty, nhà hàng cũng như cơ quan bảo vệ môi trường.
Vào tháng 11/2018 ở Hàn Quốc, chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu thế giới Hãng cà phê Starbucks đã tuyên bố bỏ dùng ống hút nhựa và thay vào đó là ống hút giấy để bảo vệ môi trường. Ở Anh, các cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald's cũng đã dự tính triển khai sử dụng ống hút bằng giấy vào năm 2019 này. Đây là dấu hiệu đáng mừng của các hãng doanh nghiệp cung cấp đồ ăn nổi tiếng trên thế giới.
Tháng 10/2018, Bộ TN&MT tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy.
Phong trào này diễn ra hằng năm. Và kết quả đem lại mỗi năm sau khi thực hiện chiến dịch cũng chỉ là “báo động” lại về nguy cơ, nên chẳng có nhiều sự khả quan.
Thực ra, điều cần làm của các cơ quan bảo vệ môi trường thì không chỉ là tổ chức xuống đường diễu hành vì màu xanh trái đất, tổ chức các cuộc thi làm sạch bờ hồ, đường phố...mà cần phải làm ngay và luôn những hành động cụ thể, ví dụ như ra luật, ra quy định kiểm soát chặt chẽ, tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào các công ty, các doanh nghiệp có lượng thải cao hoặc góp phần làm lượng rác thải nhựa cao.
Chứ không chỉ hô hào bằng mồm!
Hạnh Mỹ