Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, Hà Nội đang xem xét cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ (đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư) ở những dự án sai phạm, trong đó có khu đô thị Đại Thanh và khu đô thị Linh Đàm.
Tuy nhiên, theo đại diện sở TN&MT Hà Nội, với những dự án có sai phạm đã được thành phố khuyến cáo trước, đã có kết luận thanh tra mà người dân vẫn vào mua thì cơ quan chức năng không thể chạy theo giải quyết cho người dân được. Do vậy, khi mua nhà, người dân phải tìm hiểu trước để bảo đảm quyền lợi cho mình.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Phạm Sỹ Liêm- Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Việc cấp sổ đỏ phụ thuộc vào cách xử lý sai phạm. Nếu chủ đầu tư vi phạm mà bị “xóa sổ” dự án đó thì đương nhiên người dân không được cấp sổ đỏ. Nếu “phạt cho tồn tại”, bị xử lý hành chính, người dân phải được xem xét quyền lợi của mình.
Ví dụ như một dự án xây dựng vượt phép phải “cắt ngọn” thì đương nhiên người dân mua nhà ở phần bị sai phạm sẽ không được cấp phép và trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư”.
Theo quan điểm của TS. Phạm Sỹ Liêm, hiện nay, có nhiều dự án sai phạm “rõ như ban ngày” nhưng cơ quan quản lý làm ngơ, cấp sổ đỏ cho người dân thì chẳng khác nào tiếp tay cho sai phạm.
“Với những dự án mà cơ quan quản lý phát hiện sai phạm nhưng không xử lý triệt để, thông tin đến người dân một cách mập mờ khiến họ “sập bẫy” chủ đầu tư, theo tôi cần xử lý chính những đơn vị phát hiện sai phạm. Người mua không có tội mà đơn vị quản lý không làm tròn nhiệm vụ, phát hiện sai phạm xong chỉ mang tính… thông báo thì rõ ràng là “đẩy khó” cho người dân”, TS. Liêm thẳng thắn nói.
TS. Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm: “Đừng bắt người dân làm ‘con tin” cho những sai phạm của chủ đầu tư và cũng đừng đẩy lỗi của cơ quan quản lý cho người dân. Cơ quan chính quyền phát hiện sai phạm mà không xử lý thì không thể “vô can”. Không thể nói rằng, tôi đã công bố thông tin là hết trách nhiệm. Công bố mà chủ đầu tư vẫn “vô tư” vi phạm thì công bố đó vô hiệu”.
Theo tư vấn của TS. Liêm, để tránh rủi ro, người dân khi trước khi mua nhà cần nhờ đến dịch vụ tư vấn pháp luật để họ tìm hiểu xem dự án đó có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, người dân hiện nay chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật dẫn đến việc “mất bò mới lo làm chuồng”.
H.Lan- Đ.Thơm