PV báo Người đưa tin có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM về các khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Thưa luật sư, những trường hợp người dân tự ý tra khảo và ra tay đánh đập kẻ trộm dã man tại hiện trường có vi phạm pháp luật không?
Việc một người trộm cắp tài sản của cá nhân, tổ chức khác là một hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, tính mạng theo Điều 71 Hiến pháp. Do đó, trừ trường hợp được Nhà nước trao quyền (ví dụ như thi hành bản án tử hình đối với người bị kết án tử hình), cá nhân, tổ chức nào có hành vi xâm phạm tới thân thể, sức khỏe, tính mạng của người khác cho dù những người này vừa bị một hành vi vi phạm pháp luật khác xâm hại thì đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Tuy nhiên, quy định này không cho phép khi bắt người quả tang phạm tội, người tham gia bắt được quyền tự ý giam giữ người phạm tội, tra tấn, đánh đập họ. Do đó, việc một số người dân sau khi bắt được kẻ trộm đã ra tay đánh đập dã man kẻ trộm tại hiện trường là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, mà những người tham gia đánh đập sẽ bị xử lý ở các mức độ khác nhau.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.
Trong trường hợp kẻ trộm bị người dân đánh hội đồng rồi dẫn đến tử vong. Theo quy định của pháp luật hành vi này được xử lý như thế nào?
Trường hợp kẻ trộm bị đánh mà bị tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì những người tham gia đánh đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được quy định tại Điều 104 của Bộ luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trường hợp kẻ trộm có tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì những người tham gia đánh sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu tỉ lệ thương tật là từ 31% đến 60% thì những người tham gia đánh sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trường hợp sau đó, vì thương tích mà kẻ trộm bị tử vong hoặc có tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên thì những người tham gia đánh sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
Cách đây vài ngày, có một trường hợp cô gái đi trộm tiêu ở tỉnh Đăk Nông. Mặc dù công an đang còng tay để giải về đồn điều tra nhưng người dân vẫn lao vào đánh tới tấp. Luật sư bình luận gì về vụ việc này?
Lỗi ở đây thuộc về những chiến sĩ công an áp giải người phụ nữ đó và nhận thức pháp luật yếu của người dân. Rõ ràng, khi giải cô gái về đồn, các chiến sĩ công an đó phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cô gái đó nhưng trong trường hợp này lại để xảy ra việc người dân đánh cô gái. Trong trường hợp này không những người dân tham gia đánh đập bị xử lý theo quy định pháp luật mà các chiến sĩ công an áp giải cô gái đó cũng phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra.
Theo luật sư chúng ta nên có những biện pháp như thế nào để ngăn chặn những kiểu hành xử như trên?
Trước hết, cần phải giáo dục, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho người dân để người dân hiểu rõ việc xử lý người trộm cắp phải theo quy định pháp luật và phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Người dân không được quyền tự ý giam giữ, đánh đập, xâm phạm sức khỏe, thân thể, tính mạng của người vi phạm- những hành vi này là hành vi trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, giáo dục ý thức pháp luật của người dân và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị vi phạm.
Một số người dân sau khi bắt được kẻ trộm tự ý tra tấn đã lên tiếng rằng họ bắt được trộm có quyền đánh đập để trút giận vì kẻ trộm đã cố ý lấy đi thành quả lao động của họ. Ở khía cạnh pháp lý luật sư giải thích vấn đề này ra sao?
Tôi đồng ý với quan điểm người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác là một hành vi xấu, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, lấy đi thành quả lao động của người khác một cách trắng trợn. Tuy nhiên, những người này phải được xử lý theo quy định pháp luật và phải do cơ quan có thẩm quyền xử lý. Không một ai có quyền đứng trên pháp luật để xử lý người thực hiện hành vi trộm cắp theo kiểu của riêng mình được. Đó là hành vi trái pháp luật và phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn luật sư vì cuộc trao đổi này!
Hương Sen - Quyên Triệu