Về cơ bản, cấu trúc đề minh họa của bộ GD&ĐT vẫn giống như đề thi các năm trước đó, kiến thức tập trung vào lớp 12 (chiếm 50% tổng số điểm bài thi). Đề thi bao gồm 2 phần: Phần 1 là Đọc hiểu (chiếm 30% tổng số điểm); Phần 2 là Làm văn (chiếm 70% tổng số điểm bài thi).
Môn Ngữ văn với thời gian làm bài là 120 phút, được tổ chức từ 8h35 sáng 25/6, với cấu trúc cụ thể: Phần đọc hiểu (3 điểm): phần này sẽ bao gồm 1 đoạn văn cùng với 4 câu hỏi nhỏ liên quan đến đoạn văn này. Các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ cấp độ nhận biết cho đến vận dụng. Phần làm văn (7 điểm) bao gồm: viết một đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm); viết bài văn nghị luận văn học (5 điểm).
Phần Đọc hiểu được dẫn một ngữ liệu thuộc lĩnh vực xã hội và có 4 câu hỏi đi kèm theo từng mức độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi trong đề vừa sức với học sinh. Học sinh chỉ cần đọc kỹ câu hỏi và phần ngữ liệu là có thể dễ dàng có câu trả lời. Riêng với câu hỏi số 4, học sinh cần nêu quan điểm cá nhân của mình một cách rõ ràng, đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi: Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá mặt giấy A4). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu. Vấn đề này khá gần gũi và thiết thực với học sinh.
Trao đổi về môn Ngữ văn, cô Bùi Thị Xuân, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội chia sẻ: “Để học tốt môn Ngữ văn, cần phải nắm vững những kỹ năng cơ bản nhất, kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết, nắm bắt kiến thức cơ bản sách giáo khoa, và đặc biệt, đọc thêm nhiều sách, nhiều tài liệu là tốt nhất. Muốn học Văn tốt thì phải đọc nhiều và tích lũy một “vốn” ngôn từ và cách biểu đạt tốt”.
Theo cô Xuân, câu nghị luận xã hội không có phạm vi cố định và kiến thức thường rất bao la. Vì vậy, để làm tốt, thí sinh cần nắm chắc kỹ năng làm bài, các thao tác quan trọng nhất là giải thích và bình luận, ngoài ra, cũng cần đến thao tác phân tích. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng phải theo dõi tin tức, sự kiện, cập nhật thời sự để nắm bắt thông tin kịp thời và có thể bày tỏ quan điểm một cách dễ dàng nhất.
Giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Trãi phân tích thêm: “Trong các phần, theo tôi, khó khăn nhất chính là câu nghị luận văn học, bởi vì phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội cũng không quá khó. Câu nghị luận văn học có thể ra dạng đề so sánh, sẽ khó hơn cho các thí sinh, nếu không nắm được các kỹ năng thì bài sẽ rất dễ gặp tình trạng không đủ ý. Theo đề minh họa của bộ GD&ĐT, tôi dự đoán, nội dung chủ yếu là kiến thức lớp 12, không có kiến thức bằng văn bản lớp 10 và 11.
Những tác phẩm đã được chọn vào chương trình đọc thêm cũng là những tác phẩm hay, cũng bổ sung những kiến thức rất hay cho các thí sinh làm bài. Vì vậy, đó là những phần kiến thức rất bổ ích và cần thiết, các thí sinh không thể bỏ qua. Về cơ bản, nếu thí sinh nào nắm trọn vẹn được nội dung sách giáo khoa thì có thể yên tâm trong phòng thi”.
Cô Xuân cũng không quên nhắn gửi các thí sinh: “Trong thời gian còn một tháng cuối cùng trước kỳ thi, các bạn thí sinh nên ôn lại kỹ năng cơ bản, tổng thể. Bên cạnh đó, cũng nên luyện viết và phân bố thời gian cho phù hợp với thời gian làm bài thi.
Bởi vì, thực tế có nhiều thí sinh viết rất tốt, nhưng do chưa biết cách cân đối thời gian, nên gặp tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, tức là lúc đầu còn nhiều thời gian thì phân tích rất kỹ và sâu, nhưng về cuối, thời gian không đủ nên dễ bị sơ sài hơn hoặc bị “cuống” và không hoàn thành được. Vì vậy, khi làm bài, các thí sinh phải tự phân chia thời gian phù hợp nhất”.
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019: