Thạc sỹ, bác sỹ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 trẻ bị tự kỷ. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, một năm có khoảng 2.200 trẻ tự kỷ được chẩn đoán. Thực tế vẫn còn một số gia đình không chấp nhận con mình bị tự kỷ, không đưa con đi khám, can thiệp, chữa trị”.
Bệnh tự kỷ ở trẻ đang là mối lo của nhiều gia đình sắp sinh con, mới sinh con hiện nay. Bởi nguyên nhân của bệnh tự kỷ chưa được xác định cụ thể. Việc điều trị không thể khỏi hẳn bệnh, thời gian điều trị kéo dài cần sự nỗ lực của bản thân trẻ và cả gia đình.
Đặc biệt, việc điều trị mang lại hiệu quả cao nhất ở trong khoảng “thời gian vàng”. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ nếu phát hiện sớm là có thể cứu cả cuộc đời của con sau này.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, các dấu hiệu điển hình để phát hiện sớm trẻ tự kỷ bao gồm nhiều đặc điểm. Một số dấu hiệu cụ thể như: Trẻ đến 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ; không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi; không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi; các đồ chơi, trò chơi cũng không lôi cuốn được trẻ. Trẻ hầu như không hứng thú kết bạn, không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu.
Đặc biệt, có một số biểu hiện của trẻ bị tự kỷ mà cha mẹ ngỡ con mình là “thần đồng” dễ bỏ qua biểu hiện sớm của bệnh. Một số trẻ thể hiện hứng thúc đặc biệt với máy móc, con số, trẻ có thể đọc vanh vách quá sớm… Đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tự kỷ mà cha mẹ dễ bị đánh lừa.
Thạc sỹ, bác sỹ Thành Ngọc Minh chia sẻ: “Một trong những trở ngại khiến cho việc điều trị, can thiệp cho trẻ kém hiệu quả là nhiều gia đình không chấp nhận thực tế. Thậm chí, có gia đình còn cố gắng giấu giếm tình trạng của con mình.
“Thời gian vàng” cho việc can thiệp, điều trị là trong khoảng trẻ dưới 36 tháng, việc can thiệp điều trị hiệu quả. Nếu ngoài 48 tháng, trẻ đã hình thành hành vi rất khó can thiệp hiệu quả. Đặc biệt, trẻ tự kỷ cần môi trường giáo dục phù hợp để cải thiện tình hình và phát huy được ưu thế định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều cơ sở như vậy đặc biệt là với trẻ tự kỷ ở độ tuổi sau 10. Chính vì thế, cha mẹ, gia đình phải hỗ trợ các con rất nhiều”.
Bác sỹ Thành Ngọc Minh lưu ý: “Hiện nay, các gia đình cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, ipad, điện thoại. Đó là kiểu giao tiếp một chiều. Đây không phải là nguyên nhân nhưng là yếu tố liên quan đến tự kỷ. Việc cho trẻ gắn bó với điện thoại, iPad là rất nguy hiểm bởi vì với những người bạn công nghệ đó, trẻ không có trao đổi thông tin qua lại.
Ở nước ngoài có trẻ lớn bị tự kỷ chỉ giao tiếp với bố, mẹ qua iPad, máy tính. Cháu đó chỉ viết ra những điều mà nó mong muốn rồi gửi cho bố mẹ, chứ không trò chuyện, không trao đổi bằng ngôn ngữ. Như vậy, môi trường giao tiếp với trẻ rất quan trọng. Nhưng nếu trẻ của các gia đình mà bố mẹ xa, hoặc mải lo làm ăn, con ở với ông bà, người giúp việc ít được trò chuyện, vui chơi giao tiếp bên ngoài thì cũng là yếu tố liên quan".
Đỗ Thơm