Đừng chê Tết chán mà hãy trách mình quá ích kỷ

Đừng chê Tết chán mà hãy trách mình quá ích kỷ

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 2, 06/02/2017 08:24

Tần số của những lời thở than “Tết giờ đây chán quá” ngày càng dày đặc trên khắp mạng xã hội và trong đời sống. Nhưng xét cho cùng, cảm nhận về ngày Tết thay đổi do chính chúng ta đã đổi thay.

Thực ra, tâm lý càng trưởng thành càng sợ Tết, chán Tết ở đời nào cũng có chứ không phải mấy năm gần đây mới xuất hiện. Phải chăng vì ngày ấy, các phương tiện truyền thông chưa phát triển nên lời kêu ca của các ông, các bà mỗi dịp Tết đến không trở thành “làn sóng” gây tranh cãi trong dư luận như bây giờ?

Tôi khá “dị ứng” với những người trưởng thành luôn miệng than thở: “Tết càng ngày càng chán”. Thử ngẫm mà xem, giờ các bạn thấy Tết “nhàm” và ngày càng trở thành một thứ gánh nặng vô hình nhưng những đứa trẻ có bao giờ kêu chán không? Câu trả lời là: “Không!” Vì tụi nhỏ luôn được tận hưởng ngày Tết một cách hồn nhiên và trọn vẹn theo đúng nghĩa “ vui như Tết”.

Các bạn trách “Tết” thay đổi, không giống với “Tết xưa” cũng giống như một cô gái đang trách cứ người yêu rằng: “Tại sao sau hai chục năm anh lại khác thế”, sau đó lại chắp tay khẩn cầu:“ Xin hãy là anh của hai chục năm trước!”

Xi nhan Trái Phải - Đừng chê Tết chán mà hãy trách mình quá ích kỷ

“Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn tự trong tâm.” Ảnh minh họa: Internet.

Chúng ta luôn đối xử bất công với những gì không phải chúng ta. Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra ngày Tết trong lời kể của ông khác với ngày Tết trong lời kể của bố và ngày Tết trong hồi ức của chính bạn. Bản thân ta cũng đã thay đổi quá nhiều. Từ ngoại hình cho đến suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống. Ta thay đổi nên mới cảm thấy Tết không còn như xưa.

Thật sai lầm khi quả quyết khẳng định một đứa trẻ bị “cướp mất tuổi thơ” chỉ vì nó không được tắm ao, ngồi lên lưng Trâu và chơi chọi gà. Những món đồ chơi từng được chúng ta xem như báu vật giờ chỉ là những vật dụng hoặc khó hiểu hoặc quá nguy hiểm trong mắt trẻ.

Ai biết được mấy mươi năm nữa, những đứa trẻ của chúng ta có ngồi thở dài đầy nuối tiếc khi kể cho con cháu nghe về ngày tết ngồi “đấu” Piano Tiles 2 trên iPad cùng các anh chị em hay không?

Tết cũng giống như một thứ vật chất bên ngoài, là chiếc quần, chiếc áo mới mà chúng ta yêu thích vậy. Khi nhỏ, ta mặc vừa. Sau hai năm, nhìn lại, nó chẳng còn vừa nữa. Đương nhiên, điều thay đổi ở đây không phải do quần áo nhỏ đi mà do chính chúng ta đang lớn lên từng ngày.

Tôi cũng không thích cách một số người lấy dịp Tết ra để bới móc chuyện “bình đẳng” giữa đàn ông và đàn bà. Tôi nhớ có năm bố tôi tranh nấu nướng, bày biện mâm cơm cúng, cắm hoa để mẹ tôi được nghỉ ngơi nhưng không thành. Bởi lẽ cuối cùng, mẹ vẫn phải theo sau chỉnh lại từng thứ một.

Sau, bố tôi bị đuổi về phòng khách xem tivi để khỏi “vướng chân vướng tay” mẹ. Trong gia đình, bố chỉ “phát huy tác dụng” ở những nhiệm vụ “nặng đô” như bốc vác, sửa chữa đồ điện, ống nước…

Hôm rồi tôi có đưa bài báo phê phán đàn ông vô tâm trong dịp Tết cho mẹ đọc, mẹ chỉ gật gù “Quan điểm phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người thôi con à. Người ta thấy nặng nề, nhưng mẹ thấy vui vẻ khi chăm sóc gia đình. Người ta nghĩ đấy là sự hy sinh lớn lao trời bể còn mẹ lại nghĩ đấy là việc tất yếu khi ta thương yêu tổ ấm của riêng mình”

Chợt nghiệm ra rằng nếu ai trong xã hội này cũng nói và làm với cái tâm, với tấm lòng rộng mở thì sự hằn học, ích kỷ đã không còn đất sống.

Hà Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.