Theo TPO đưa tin, vi khuẩn có tên khoa học campylobacter là tác nhân chính dẫn tới khoảng 280.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 100 trường hợp tử vong ở Anh mỗi năm.
Những trường hợp nhiễm độc hiện nay được điều trị bằng nhóm thuốc kháng sinh có tên fluoroquinolones, với những thành phần chính phổ biến nhất bao gồm ciprofloaxin và naldixic. Điều đáng nói, có tới một nửa trong số các loại vi khuẩn mà FSA tìm thấy trong thịt gia cầm đều cho thấy khả năng đề kháng trước cả 2 loại thuốc này. Điều này đồng nghĩa với việc một số bệnh nhân sẽ không thể được chữa trị.
Cũng liên quan đến thông tin kháng kháng sinh, Tri thức trẻ dẫn tin, PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã cảnh báo về nguy cơ lên tới 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2020 nếu chúng ta không giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh thì rất nguy hiểm.
Được biết, trong chương trình nghiên cứu giữa Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương, Đại học Oxfod, Đại học Nông nghiệp 1 đã phát hiện ra 11 loại kháng sinh hiện nay đang sử dụng cho người được sử dụng trong chăn nuôi. Điều đáng ngại, có những loại kháng sinh lẽ ra cấm trong chăn nuôi lại được sử dụng để làm thức ăn cho cá, cho lợn, cho gia cầm.
Theo các chuyên gia cảnh báo, thức ăn của gia cầm, gia súc được trộn với kháng sinh để phòng bệnh vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, với những loại kháng sinh không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến cái chết âm thầm cho con người khi vi khuẩn nhờn thuốc.
Sáng 12/12, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật An toàn thực phẩm có quy định không được dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi vì kháng sinh sẽ dư lượng lại trong cơ thể con vật. Theo đó, con người ăn phải các loại thực phẩm tồn dư kháng sinh làm cho khả năng kháng kháng sinh của vi sinh vật có trong con người. Và như thế, khi con người mắc bệnh sẽ không có khả năng hoặc phải dùng liều rất cao, hoặc dùng kháng sinh khác để điều trị.
“Luật đã cấm, ai dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi là vi phạm. Khi người nông dân dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hoặc tiêm kháng sinh cho con vật bị bệnh sau đó mổ thịt bán thì kháng sinh vẫn tồn dư sẽ vô cùng nguy hiểm. Nó không gây độc tức thì cho con người mà chủ yếu gây ra hiện tượng nhiễm kháng sinh và làm cho vi sinh vật trong cơ thể con người kháng lại kháng sinh (hay còn gọi là nhờn thuốc-PV)”, PGS.Thịnh nhấn mạnh.
PGS.Thịnh cho rằng, ngành y tế đã đưa ra cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân dùng khác sinh bừa bãi và thực phẩm nhiễm kháng sinh.
Theo TS.Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi- bệnh viện Bạch Mai, hiện nay có nhiều bệnh mới nổi mà số vi khuẩn kháng thuốc ngày càng cao tăng lên. Trong khi đó, để sản sinh ra một loại kháng sinh thế hệ mới mất cả chục năm, còn người dùng thì cứ dùng thoải mái.
“Có những trường hợp, bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không được và phải sử dụng kết hợp kháng sinh. Tuy nhiên, khi sử dụng kết hợp kháng sinh khác thì rất tiếc là loại kháng sinh này đã được sử dụng trong chăn nuôi và bản thân người bệnh đã hấp thụ nó từ các thực phẩm của ngành chăn nuôi dẫn đến nhờn cả thuốc”, TS. Dũng cảnh báo.
N.Giang