Trong quá trình "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư (NĐT) về địa phương mình tìm kiếm cơ hội, một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhận thấy bên cạnh những NĐT chân chính, muốn góp sức mình vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, vẫn có một số NĐT do không có năng lực về tài chính nhưng lại muốn "lấy" dự án bằng mọi giá nên đã dùng "chiêu" để qua mặt chính quyền. Có điều, "chiêu" của những doanh nghiệp (DN) dạng này đã bị lực lượng Công an phát hiện, vạch trần; hậu quả xấu đã không xảy ra.
Câu chuyện mà PV đề cập sau đây có thể xem là bài học cảnh tỉnh cho một số địa phương, vì chạy theo thành tích thu hút đầu tư mà coi nhẹ khâu thẩm định năng lực NĐT.
Ngày 20/4/2013, ông Nguyễn Quốc Hoài (45 tuổi) - chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và XNK Đồng Tiến (gọi tắt là Công ty Đồng Tiến, đặt tại 602, Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Q.7, TP HCM) ký biên bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang về việc bàn giao cho Công ty CP ASEAN Đồng Tiến (cũng do ông Hoài làm chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật; trụ sở đặt tại 106, đường 19, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP HCM) kế thừa lập dự án đầu tư Khu liên hợp Nhà máy Xay xát chế biến lương thực tại huyện Châu Thành (sau đây gọi tắt là Khu liên hợp - PV).
Trước đó, ngày 16/11/2010, ông Hoài đã có tờ trình, gửi UBND tỉnh Hậu Giang xin được đầu tư Nhà máy xay xát và chế biến thức ăn gia súc tại huyện Vị Thủy với tổng mức đầu tư 1 tỉ USD (góp vốn với hình thức cổ phần gồm Công ty Đồng Tiến, Công ty Visca Trading Limited - Hongkong và một số cổ phần ở Hậu Giang).
Đến ngày 26/4/2013, ông Lâm Quang Thống - tổng giám đốc điều hành Công ty CP ASEAN Đồng Tiến có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Hậu Giang xin chủ trương và địa điểm lập dự án đầu tư Khu liên hợp tại Cụm Công nghiệp Phú Hữu A (giai đoạn 3) và Cụm công nghiệp Đông Phú (giai đoạn 1, đều thuộc huyện Châu Thành). Theo đó, quy mô sử dụng đất từ 206 ha, dự kiến sẽ mở rộng thêm 100ha ngoài Cụm công nghiệp (để sản xuất lúa giống, công suất 1-1,5 triệu tấn gạo/năm); tổng mức đầu tư gần 1,143 tỉ USD.
Dự án sẽ do Công ty CP ASEAN Đồng Tiến làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Star Winner internationnal Hongkong (địa chỉ Suite 601, tầng 6, Tòa nhà Hongkong and Macao, số 156-157 Connaught Road Center Hongkong) bao tiêu sản phẩm. Dự án được phân thành 2 giai đoạn.
Đến ngày 5/5/2013, ông thống tiếp tục có công văn gửi đến UBND, các sở, ban, ngành tỉnh Hậu Giang có liên quan về việc xin giấy chứng nhận đầu tư khu liên hợp kể trên. Kèm theo công văn lần này, có các nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, bản sao giấy chứng nhận ĐKKD, bản vẽ mặt bằng tổng thể của dự án và tờ chứng thư bảo lãnh trị giá 350 tỉ USD của Công ty TNHH Star Winner Internationnal Hongkong tại Ngân hàng HSBC Hongkong.
Chứng thư dởm trị giá 350 tỉ USD mà Công ty CP ASEAN Đồng Tiến kèm theo hồ sơ để xin thực hiện dự án Khu liên hợp nhà máy chế biến lương thực Đồng Tiến Hậu Giang.
Cũng với số vốn như đã kể trên, NĐT xin được giao đất có thu tiền sử dụng đất; sẽ khởi công sau 30 ngày nhận đất và hoàn thành, đi vào hoạt động sau 36 tháng.
Tháng 6/2013, Công ty CP ASEAN Đồng Tiến tiếp tục gửi hồ sơ đến UBND tỉnh Hậu Giang. Lần này, kèm theo văn bản có giấy ủy quyền của Công ty Marsa internationnal Company Limited (địa chỉ Olaya, P.O, Box 55002 Riach 11515, Kingdom of Arabia) ký ngày 16/8/2011, cho ông Trần Văn Tiến - Phó giám đốc thương mại Công ty Đồng Tiến, thay mặt Công ty làm đại diện bán các sản phẩm dầu, sản phẩm nông nghiệp, lập hồ sơ và nhận các tài liệu có liên quan.
Trong buổi làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp cùng nhiều sở, ban ngành tỉnh Hậu Giang vào ngày 13/6/2013, lãnh đạo Công ty CP ASEAN Đồng Tiến còn cho biết DN đang thực hiện 2 dự án tại tỉnh Sóc Trăng và Campuchia. Tuần sau đó, BQL các khu công nghiệp đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Hậu Giang, xin chủ trương giao 10 ha đất cho Công ty CP ASEAN Đồng Tiến thực hiện Khu liên hợp…
Gần cuối tháng 6/2013, nhận thấy có nhiều dấu hiệu nghi liên quan đến hành vi lừa đảo, chạy dự án, lãnh đạo Phòng An ninh kinh tế (PA81) đã báo cáo và được Giám đốc Công tỉnh Công an Hậu Giang đồng ý cho tiến hành thẩm tra, xác minh năng lực của NĐT này.
Đối với Công ty Đồng Tiến, từ khi thành lập vào năm 2010 đến nay đã có 6 lần đổi giấy chứng nhận ĐKKD và địa điểm hoạt động. Vốn điều lệ của DN này là 10 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Quốc Hoài góp 50% với 56 ngành nghề kinh doanh. Vào ngày 12/7/2012, Công ty CP Làm việc thông minh đã có thông báo ngành chức năng cho biết ngưng cung cấp dịch vụ văn phòng và địa chỉ kinh doanh cho Công ty Đồng Tiến do DN này nợ tiền thuê mặt bằng 4 tháng không thanh toán.
Tiếp đó, ngày 20/11/2012, Chi cục Thuế quận 10 (TP HCM) có thông báo gửi các ngành chức năng và Cục Thuế các tỉnh trên toàn quốc về việc Công ty Đồng Tiến đã bỏ địa chỉ kinh doanh và không quên "ôm" theo 200 số hóa đơn đã mua của Chi cục.
Đối với Công ty CP ASEAN Đồng Tiến, thành lập tháng 8/2012, vốn điều lệ 10 tỉ đồng, trong đó ông Hoài góp 30%, DN này có 21 ngành nghề kinh doanh. Từ khi hoạt động đến nay, DN này không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì, không phát sinh thuế. Qua rà soát, PA 81 Công an Hậu Giang cho biết DN này chỉ nộp thuế môn bài… 2 triệu đồng.
Đối với Chứng thư bảo lãnh 350 tỉ USD của Công ty TNHH Star Winner international, PA81 đã phối hợp với Cục A84 - Tổng cục An ninh II Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Hậu Giang xác minh. Thật kết sức bất ngờ khi biết đấy là chứng thư… dởm. Bởi Ngân hàng HSBC Hongkong cho biết vào ngày 22/2/2013, ngân hàng này không phát hành chứng thư nào có giá trị 350 tỉ USD cho Công ty TNHH Star Winner International và trong tài khoản số 608416247 của DN này cũng không có 350 tỉ USD như ghi nhận trong chứng thư.
Một bất thường khác là địa điểm mà NĐT kể trên xin được thực hiện dự án nằm liền kề với dự án mà trước đây UBND tỉnh Hậu Giang giao đất cho Công ty Vinaline. Vinaline từng liên hệ với Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đề nghị hợp tác mở khu liên hợp xay xát chế biến lương thực nhưng phía Vinafood II từ chối. Nguyên nhân - theo Vinafood II, sản lượng lúa tại Hậu Giang mới đạt 1 triệu tấn/năm. Nếu mở nhà máy công suất lên đến 1 triệu tấn gạo/năm, chắc chắn nhà máy sẽ không đủ nguyên liệu để hoạt động; các địa phương lân cận như Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long đã tập trung nhiều DN kinh doanh, xay xát chế biến lương thực.
Chưa hết, dự án mà Công ty CP ASEAN Đồng Tiến làm chủ đầu tư tại Hậu Giang có giá trị hơn 1 tỉ USD, tương đương 22.000 tỉ đồng Việt Nam, công suất 1 triệu tấn gạo/năm, quy mô lên đến 200 ha. Trong khi đó, chợ trung tâm lúa gạo tại quận Thốt Nốt (Cần Thơ) được xem là quy mô nhất Việt Nam, tổng công suất xay xát chế biến gạo đạt trên 500.000 tấn gạo/năm, chỉ sử dụng diện tích 20 ha, vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng. Nếu so sánh điều này, càng cho thấy quy mô dự án của Công ty CP ASEAN Đồng Tiến là thiếu tính hợp lý.
Lãnh đạo PA81 Công an tỉnh Hậu Giang cho rằng thực chất 2 DN do nhóm ông Nguyễn Quốc Hoài đăng ký thành lập nhưng không hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là thực hiện mục đích lừa đảo. Việc ông Hoài ký biên bản bàn giao cho Công ty CP ASEAN Đồng Tiến kế thừa dự án đầu tư dự án như đã kể trên là không có giá trị, do Công ty CP Đồng Tiến đã bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh nên không còn tư cách pháp nhân. Việc dùng chứng thư trị giá 350 tỉ USD giả cho thấy NĐT này không có năng lực về tài chính.
Chưa hết, qua xác minh, nhân thân lai lịch và quá trình hoạt động của nhiều cổ đông sáng lập Công ty CP ASEAN Đồng Tiến không rõ ràng. Đặc biệt, trong số này có người do nợ nần phải bán nhà, chuyển về địa chỉ khác sinh sống. Một đối tượng khác thì có tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong bản án tù tại Trại giam Xuân Lộc - Bộ Công an, đối tượng này chẳng có nghề nghiệp ổn định, sống bằng nghề "cò" đất.
Được biết vào ngày 19/11 vừa qua, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - đã ban hành quyết định thu hồi dự án khu liên hợp do Công ty CP ASEAN Đồng Tiến làm chủ đầu tư… Đây cũng là dấu chấm hết cho mọi toan tính của một NĐT không có năng lực tài chính nhưng đã dùng "chiêu", quyết "lấy" dự án bằng mọi giá…
Theo Bình Huyền (CAND)